Tròn một tháng kể từ khi xảy ra tai nạn, vụ việc đã kết thúc với thỏa thuận được cho là thỏa đáng với cả hai phía. Vậy qua vụ việc thu hút nhiều chú ý của cộng đồng y khoa cũng như công luận, rút ra được những điều gì?

Tuệ Anh (TH) 13:35 21/05/2024

Theo thông tin từ Tuổi Trẻ, chiều 20/5, đại diện chuỗi cà phê The Coffee House cho biết nhãn hàng đã thống nhất phương án xử lý với gia đình nữ bác sĩ Hoàng Minh Lý (29 tuổi, quê Nghệ An) trong vụ tấm kính rơi trúng người chị này.

Phía chuỗi cửa hàng cà phê cho biết đã cùng với gia đình tìm kiếm giải pháp giải quyết vấn đề "từ khi xảy ra vụ việc" nhưng tại thời điểm đó, hai bên chưa đạt được ý kiến chung.

Hiện trường vụ tấm kính rơi trúng người tại quán cà phê - Ảnh: Tuổi Trẻ

"Chúng tôi trao đổi với gia đình trên tinh thần chị Lý là khách hàng, gặp sự cố tại cửa hàng nên chúng tôi không né tránh trách nhiệm và đã nỗ lực đưa ra giải pháp để giải quyết thỏa đáng. Gia đình chị Lý cũng ghi nhận lời xin lỗi và thiện chí giải quyết của chúng tôi để đạt được giải pháp.

Đến nay, hai bên đã hoàn tất trao đổi, thống nhất được phương án giải quyết và cùng mong muốn khép lại sự việc tại đây", phía The Coffee House thông tin.

Về phương án giải quyết cụ thể giữa hai bên, đại diện nhãn hàng từ chối cung cấp do liên quan đến thỏa thuận bảo mật trước đó.

Về phương án đảm bảo an toàn cho khách hàng sau sự cố, The Coffee House cho hay đã yêu cầu tòa nhà Việt Tower (số 1 Thái Hà) bảo trì, gia cố tất cả vách tường kính bao quanh khu vực. 

Đồng thời tăng cường tiêu chuẩn và tần suất kiểm tra, bảo trì hạ tầng ở các cửa hàng còn lại trong hệ thống.

Bên cạnh đó, chuỗi cửa hàng cà phê này cũng gửi lời xin lỗi tới khách hàng sau sự cố.

Bác sĩ Hoàng Minh Lý - Ảnh: Dân Trí

Liên quan đến vụ việc, trả lời trên Dân Trí, Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân, cho biết, vụ việc đã kết thúc với thỏa thuận được cho là thỏa đáng với cả hai phía. Vậy qua vụ việc thu hút nhiều chú ý của cộng đồng y khoa cũng như công luận, rút ra được những điều gì?

Trước hết, phải nói rằng trong quan hệ dân sự, chuyện bồi thường khi gây lỗi là chuyện hiển nhiên, có từ ngàn đời nay. Khoản đền bù về vật chất và tinh thần sẽ giúp cho người bị hại khắc phục phần nào thiệt hại, từ đó tiếp tục cuộc sống. Khoản đền bù này cũng là lời nhắc nhở với người gây ra lỗi, cảnh tỉnh họ phải khắc phục, không để lỗi xảy ra lần nữa.

Chúng ta thấy ngay, nếu khoản đền bù này quá thấp, thì không có tác dụng giúp đỡ gì nhiều cho người bị hại; đồng thời cũng không có tác dụng răn đe người gây ra lỗi. Nhưng ngược lại, nếu mức bồi thường quá cao, thì sẽ gây ra tình trạng trục lợi, làm tiền từ phía người bị hại, và cũng khiến người gây ra lỗi bị khánh kiệt, không có khả năng đền bù.

Như vậy, chuyện tranh chấp trong bồi thường là chuyện thường gặp, vì lẽ thường, người bị nạn luôn muốn nhiều, người phải bồi thường luôn muốn ít. Nên để chuyện bồi thường này diễn ra công bằng, thường phải dựa vào một định chế nào đó. Nhẹ thì là các tập quán xã hội, cao hơn thì dựa vào phán quyết của tòa án.

Trong lịch sử thế giới, nhiều khoản bồi thường thiệt hại lớn xuất phát từ các vụ kiện nổi tiếng, đơn cử như hàng trăm nghìn vụ kiện của các nạn nhân chất amiang (một khoáng chất từng được ứng dụng trong xây dựng, có thể gây bụi phổi, ung thư phổi) khiến nhiều hãng sản xuất amiang bị phá sản. Về sau, sản phẩm có amiang bị cấm sử dụng ở hầu hết các nước trên thế giới. Và nhờ đó, một trong những nguyên nhân gây ung thư phổi đã được loại bỏ.

Trở lại sự việc nhãn hàng The Coffee House vừa đạt thỏa thuận bồi thường cho khách hàng của mình, theo tôi, đã mang lại nhiều tín hiệu tốt.

Trước hết, dù chúng ta không biết cụ thể khoản bồi thường là bao nhiêu, nhưng nạn nhân sẽ có tiền để thanh toán viện phí và phục hồi >sức khỏe. Tuy không gì có thể bù đắp hoàn toàn tổn hại sức khỏe mà nạn nhân gánh chịu, nhưng có khoản đền bù này sẽ giúp ích cho cô ấy phần nào.

Về phía doanh nghiệp, khoản bồi thường này dĩ nhiên là một khoản tổn thất tài chính, nhưng nó lại có ý nghĩa tích cực, cho thấy doanh nghiệp có trách nhiệm với khách hàng của mình, tạo yên tâm cho khách hàng khi tới sử dụng dịch vụ của quán.

Với cộng đồng, vụ việc này tạo tiền lệ, nhắc nhở các doanh nghiệp cần siết chặt các tiêu chuẩn an toàn trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, nếu không một rủi ro nào đó như rơi trần, rơi quạt, cháy nổ… gây tổn hại cho khách hàng, là sẽ đối mặt với những đền bù không nhỏ trong tương lai. Từ đó, tạo một mặt bằng an toàn ngày càng cao hơn cho cộng đồng. Cái được này có giá trị lớn và lâu dài cho tất cả chúng ta.

Ngành bảo hiểm qua vụ việc này cũng có thể đẩy mạnh truyền thông về tác dụng phòng ngừa rủi ro trong cuộc sống. Những tai nạn tương tự nếu có mua bảo hiểm trước thì việc đền bù khắc phục sẽ đơn giản biết bao cho cả về phía doanh nghiệp cũng như từng cá nhân.

Và sau cùng, vụ việc đi đến thỏa thuận thỏa đáng này đem đến cho tôi một niềm tin rằng số phận mỗi con người, dù là nhỏ bé, cũng cần được trân trọng.

Trước đó, tối 20/4, chị Hoàng Minh Lý (29 tuổi) ngồi uống cà phê cùng bạn bè tại quán cà phê trên phố Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội.

Lúc này, trời đổ mưa dông, một tấm kính lớn từ tầng 2 đã đổ sập xuống. Sự cố làm 4 nhân viên và 3 khách hàng bị thương. Trong đó chị H.M.L. bị thương nặng nhất. Sau đó một ngày, có 6 người xuất viện, chỉ còn chị Lý tiếp tục điều trị.

Nguồn: Tuổi Trẻ

 

Tuệ Anh (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe