Nhiều ngày đêm đeo bám đối tượng, các anh trinh sát, lính đặc nhiệm chỉ ăn lót dạ bánh mì, gói xôi…đỡ đói. Mọi hành động đều phải tuyệt đối thận trọng, tỉ mỉ tránh để động đối tượng…
Ăn xôi, bánh mì lót dạ…
Ngày 28/3, trao đổi với Tiền Phong, thượng tá Ngô Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04-Bộ Công an) cho biết, sau khi Bộ Công an tập trung đấu tranh, phá nhiều vụ án ma túy lớn ở các điểm nóng phía Bắc, các băng nhóm buôn bán ma túy có xu hướng dịch chuyển vào phía Nam, tìm các con đường >vận chuyển ma túy khác từ suốt dọc biên giới giữa Lào và Việt Nam.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát đã phát hiện đường dây ma túy trên. Ma túy xuất phát từ Myanmar, qua Lào rồi về Việt Nam ngụy trang rồi xuất đến nước thứ 3 tiêu thụ.
Theo thượng tá Bình, suốt gần 2 tháng tập trung điều tra, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy quyết định phá án. Cục đã chủ trì phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2, Công an quận Bình Tân, Công an TP Hồ Chí Minh, Cảnh sát ma túy Công an tỉnh Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương, Đoàn 3 - Cục phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ tư lệnh Bộ đội biên Phòng, Đội 6 - Cục Phòng chống buôn lậu – Tổng cục hải quan đồng loạt đột kích, kiểm soát các địa điểm trên địa bàn TPHCM và Đắk Nông.
Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ chia làm 15 tổ công tác phối hợp triển khai các biện pháp điều tra, xác minh trên địa bàn trải rộng qua các tỉnh Kon Tum, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, TPHCM.
Để kịp thời đánh giá, nhận định và chỉ đạo các bước phá án, Ban chuyên án đã thành lập các Ban chỉ huy “dã chiến” ngay tại hiện trường, dưới sự chỉ đạo trực tiếp điều tra của Thiếu tướng Phạm Văn Các (Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy).
Đến ngày 19/3, sau khi đánh giá các chứng cứ và xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Ban Chuyên án quyết định “cất lưới”.
Thượng tá Khưu Thanh Triều, Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an) cho biết, vừa trở về sau khi kết thúc khóa học chuyên sâu về lý luận chính trị tại Học viện Chính trị An ninh nhân dân thì nhận lệnh đi đánh án.
Suốt 6 ngày (từ ngày 14 đến 20/3), anh em thường xuyên nhịn đói để cùng các tổ trinh sát đeo bám đối tượng. Mọi người động viên nhau giữ vững tinh thần, yên tâm chiến đấu với tội phạm.
Bởi lẽ, đây là chuyên án ma túy lớn, các đối tượng vận chuyển ma túy số lượng "khủng" có thể sử dụng vũ khí nóng để chống trả quyết liệt. “Khi tham gia, tôi luôn động viên anh em yên tâm tư tưởng, phải tuyệt đối thận trọng, tỉ mỉ tránh để động đối tượng”, thượng tá Triều cho biết.
Còn trinh sát N.T (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy) kể, từ khi xác lập chuyên án đấu tranh, đã cùng đồng đội luôn túc trực chiến đấu chờ lệnh của lãnh đạo cấp trên.
Theo trinh sát T, quá trình đeo bám các đối tượng trong đường dây này gặp nhiều khó khăn. Các tổ trinh sát phải theo sát các đối tượng qua nhiều tỉnh thành như Bình Phước, Tây Ninh, TPHCM…Chỉ cần một phút mất tập trung là có thể mất dấu bọn chúng.
“Nhiều anh em trinh sát phải thường xuyên lót dạ bằng bánh mỳ, gói xôi để cố gắng đeo bám các đối tượng. Việc đeo bám theo gặp khó khăn khi các đối tượng di chuyển bằng ô tô, chạy với tốc độ rất cao. Có lúc, bọn chúng tìm cách đánh lạc hướng như vào khách sạn nghỉ, lúc ghé quán nước…”, trinh sát T kể.
Bắt khẩn cấp tên cầm đầu
Ngày 28/3, thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, Cơ quan điều tra đã có quyết định bắt khẩn cấp đối tượng cầm đầu đường dây ma túy xuyên quốc gia. Cụ thể, đối tượng cầm đầu bị bắt là Wu He Shan (tên phiên âm tiếng Việt là Ngô Hà Sơn, SN 1963, quốc tịch Trung Quốc).
Ngoài ra, Cơ quan điều tra đã khởi tố các đối tượng đàn em của Ngô Hà Sơn gồm: Huang Zai Wen (SN 1967, quốc tịch Trung Quốc), Thào A Dơ (SN 1982), Thào A Páo (SN 1974) và Lý A Vừ (cùng ngụ Điện Biên) để điều tra về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.
Đối tượng cầm đầu Wu He Shan thường xuyên lẫn trốn ở Úc, Trung Quốc và Myanma để thuận tiện cho việc điều hành đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.
Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, Wu He Shan và đồng bọn mở công ty TNHH TM&DV Hasan (quận Bình Tân, TPHCM) để làm ‘bình phong’, dựng lên bà Phan Thị M.N làm giám đốc. Bà N. chính là người yêu của Wu He Shan.
Qua kiểm tra công ty này, lực lượng chức năng phát hiện 30 vỏ bao tải cùng loại với số bao đựng 300kg ma túy bị bắt giữ trước đó. Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, một số người Trung Quốc đã nhập hàng vào công ty Hasan với danh nghĩa ngành nghề may mặc, xuất khẩu hàng hóa.
Mặc dù đăng ký kinh doanh ngành nghề may mặc, xuất khẩu…nhưng qua kiểm tra các tờ khai hải quan, trong 5 năm qua, công ty này chỉ mới có 40 tờ khai, còn hoạt động chủ yếu là ngụy trang cho hành vi buôn ma túy.
Kho hàng của công ty Hasan là một dãy nhà cấp 4 lợp mái tôn khá sơ sài nhưng kín mít như lô cốt, trong kho và xung quanh gắn camera theo dõi dày đặc.
Bước đầu, cơ quan chức năng nhận thấy có nhiều điểm tương đồng về phương thức, thủ đoạn, liên quan giữa đường dây ma túy này với các vụ buôn bán, vận chuyển ma túy từng bị triệt phá tại nhiều tỉnh thành.
Thượng tá Ngô Thanh Bình nhấn mạnh, đây là thành tích khám phá chuyên án này là thành tích chung của 13 đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an cùng phối hợp, kịp thời ngăn chặn một lượng ma túy “đá” lớn nhất từ trước đến nay thẩm lậu vào Việt Nam.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đang phối hợp với các quốc gia khác điều tra làm rõ, củng cố chứng cứ, tài liệu.