Theo dự kiến, phiên xét xử sơ thẩm vụ Tịnh thất Bồng Lai sẽ diễn ra ngày 30/6. Để phục vụ việc xét xử, có 15 nhân chứng đã được toà triệu tập.
Theo dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra vào ngày 30/6. Các bị cáo gồm ông Lê Tùng Vân (90 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi) và Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi) và Cao Thị Cúc (62 tuổi), cùng ngụ tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Các bị cáo bị truy tố về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, HĐXX cũng đã triệu tập 15 nhân chứng trong đó có nhiều cán bộ Công an huyện Đức Hòa và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Ngoài ra, phiên tòa cũng triệu tập đại diện tổ giám định tư pháp của Sở Thông tin Truyền thông, Sở Văn hóa thể thao du lịch tỉnh Long An để trực tiếp giám định vật chứng trong vụ án.
Liên quan đến vụ án trên, ngày 28/6, các luật sư bào chữa cho Tịnh thất Bồng Lai đã có văn bản gửi TAND huyện Đức Hoà, tỉnh Long An. Sau khi nhận được danh sách những người cần triệu tập tham gia phiên toà theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử, các luật sư bào chữa cho rằng cần thiết phải bổ sung thêm danh sách người triệu tập tham gia và cần thay đổi tư cách người tham gia tố tụng để đảm bảo vụ án được xét xử khách quan.
Theo luật sư Đào Kim Lân, kiến nghị xin hoãn phiên tòa để sắp xếp hồ sơ và chuẩn bị cho công việc bào chữa sắp tới. Được biết, 5 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo tại Tịnh thất Bồng Lai gồm: luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, luật sư Đặng Đình Mạnh, luật sư Nguyễn Văn Miếng, luật sư Ngô Thị Hoàng Anh và luật sư Đào Kim Lân.
Trước đó, để phục vụ công tác điều tra, Cơ quan ANĐT đã ra quyết định truy tìm Võ Thị Diễm My (23 tuổi, ngụ số 15/2, đường số 20, khu phố 1, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM; chỗ ở khác: số 191A, ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Tuy nhiên, đến hiện tại, cô gái này vẫn chưa được tìm thấy.
Chi tiết này cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng, sự vắng mặt của Diễm My liệu có ảnh hưởng đến việc xét xử?
Về vấn đề này, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: "Diễm My có thể là nhân chứng, bị hại hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để cơ quan điều tra củng cố thêm hồ sơ chứng cứ, làm căn cứ làm sáng tỏ vụ án. Tuy nhiên, việc Diễm My vắng mặt chưa được tìm thấy có ảnh hưởng đến phiên toà xét xử sơ thẩm hay không phải xem xét trong nhiều trường hợp cụ thể".
Theo thông tin từ cha ruột Diễm My, từ khoảng tháng 9/2019, Diễm My quen một số người ở Tịnh thất Bồng Lai qua mạng xã hội, sau đó bất ngờ bỏ trốn, chặn mọi liên lạc với gia đình và chuyển đến ở tại Tịnh thất Bồng Lai.
Mặc dù gia đình đã gửi đơn trình báo sự việc này đến cơ quan chức năng nhưng không ai tìm thấy Diễm My ở Tịnh thất Bồng Lai vào thời điểm đó. Do đó, cha mẹ cô gái đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng về việc Diễm My mất tích trong thời gian dài, cũng như tố cáo nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai có hành vi lạm dụng, xâm hại cô gái.
Về phía các bị cáo Lê Tùng Vân, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương, Lê Thanh Nhị Nguyên và Cao Thị Cúc sắp tới bị xét xử trong phiên tòa tại TAND huyện Đức Hoà, tỉnh Long An vào ngày 30/6/2022, các bị cáo này bị truy tố với tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân".
Đây là tội danh được xem xét với các hành vi Lợi dụng quyền tự do, dân chủ để thành lập cơ sở tu tại gia theo Phật giáo lấy tên Tịnh thất Bồng Lai nhưng không được các ngành chức năng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh Long An công nhận, đồng thời còn có hành vi Lợi dụng tôn giáo, mạo nhận trẻ mồ côi để trục lợi từ thiện. Thậm chí còn có hành vi sử dụng các phương tiện như máy tính, điện thoại di động, tổ chức quay, chụp, phát trực tiếp trên mạng xã hội, lan truyền các thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, làm phương hại đến uy tín của các cá nhân, tổ chức khác, trong đó có Công an huyện Đức Hòa.
Như vậy, 6 bị can trên bị khởi tố hình sự do có hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Vì thế, trường hợp không tìm thấy Diễm My cũng không ảnh hưởng nhiều đến quá trình điều tra những sai phạm, cũng như ảnh hưởng nhiều đến quá trình xét xử của TAND huyện Đức Hoà, tỉnh Long An.
Tuy nhiên, nếu có căn cứ hoặc xét theo yêu cầu của những người tham gia phiên toà, nếu Lê Tùng Vân và các bị can trong vụ án trên có hành vi lạm dụng, xâm hại đến Diễm My, nhóm người này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác, sau khi có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra.
Theo đó, trong trường hợp cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu cũng như chưa thể truy tìm được Diễm My, căn cứ Điều 297 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, đây có thể là căn cứ để Hội đồng xét xử tiến hành hoãn phiên toà. Trong trường hợp này, thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa và vụ án sẽ được xét xử lại từ đầu.