Phụ nữ và trẻ em không bị bắt buộc hy sinh vô điều kiện cho người khác và được tạo cơ hội bình đẳng, tự chủ để phát triển cá nhân.
Xây dựng không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em nói riêng và con người nói chung là hình mẫu xã hội lý tưởng mà chúng ta đang hướng tới. Nó bao gồm ba lĩnh vực cơ bản:
Không gian an toàn nơi công cộng
Không gian an toàn trong gia đình
Không gian an toàn trong lĩnh vực riêng tư
Ba lĩnh vực này có mối quan hệ mật thiết không thể tách rời. Chúng tương tác và ủng hộ lẫn nhau tạo thành một thành trì vững chắc và hoàn hảo.
Về thời gian, nó trải dài trong suốt cuộc đời con người, từ khi còn nằm trong bào thai cho đến khi nằm yên dưới lòng đất.
Trong lĩnh vực công cộng: Điều này bao hàm việc phụ nữ và trẻ em có thể sống trong một không gian “sạch” cả về môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội. Họ có thể tới nơi làm việc, trường học, nhà trẻ, cơ quan công quyền, cửa hàng, chợ, quán ăn, công viên, nơi >giải trí… với cảm giác an toàn, được bảo vệ, tôn trọng, được trao quyền và có thể tiếp cận thông tin, giáo dục, hoạt động giải trí, hỗ trợ, dịch vụ…
Trong lĩnh vực gia đình: Phụ nữ và trẻ em được dảm bảo sống, học tập, phát triển, nghỉ ngơi, giải trí… an toàn và bình đẳng trong tổ ấm của mình mà không bị bạo hành hoặc đe dọa bạo hành, không bị hành hạ, ngược đãi, bị sỉ nhục, bị bắt cóc, hãm hiếp… bởi các thành viên khác trong gia đình hoặc các cá nhân, tổ chức tội phạm.
Trong lĩnh vực riêng tư: Phụ nữ và trẻ em không bị bắt buộc lao động quá sức. Họ cần được bảo đảm không bị kiểm soát thô bạo trong >đời sống riêng, được tôn trọng nhân phẩm trong suy nghĩ, ước mơ, tình yêu và được thực hiện các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của mình nếu nhu cầu đó không xâm hại đến văn hóa tập thể của gia đình. Phụ nữ và trẻ em không bị bắt buộc hy sinh vô điều kiện cho người khác và được tạo cơ hội bình đẳng, tự chủ để phát triển cá nhân.
Phụ nữ và trẻ em thường bị coi là nhóm yếu thế trong xã hội và gia đình vì vậy họ thường bị kiểm soát trong lĩnh vực riêng tư để được “giáo dục” theo quan điểm của người gia trưởng và trật tự phụ quyền. Nhiều phụ nữ bị giết hại trong các trào lưu xã hội mù quáng xuất phát từ tục lệ “Trọng nam, khinh nữ” như “Nạn diệt giống cái” (nạo thai bé gái) của một số nước châu Á.
Họ còn bị làm cho tàn tật trong hủ tục “Cắt bộ phận sinh dục ngoài” để kiềm chế giới tính và nhu cầu tình dục của họ tại một số nước theo đạo Hồi ở Trung Đông và châu Phi. Họ là nạn nhân của các vụ hiến tế, cưỡng hiếp, xâm hại tình dục tàn bạo, buôn bán người vào các động mại dâm hoặc các dạng nô lệ tình dục khác.
Theo báo cáo của Hội LHPN ở Việt Nam tại Hội thảo khoa học “Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em - Khuyến nghị chính sách”, Hà Nội 24/ 6/2019 - thì chỉ riêng năm 2018, có tới 8.056 phụ nữ là nạn nhân của> bạo lực gia đình, chiếm 85,14% tổng số người bị bạo lực gia đình. Còn theo thống kê của UN Women thì 34,4% phụ nữ Việt Nam từng bị bạo lực tình dục, xếp thứ hai ở khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều vụ xâm hại, quấy rối tình dục xảy ra tại nơi làm việc, nơi công cộng và trong gia đình.
Tuy nhiên, những con số này còn thấp hơn so với thực tế. Cũng năm 2018 có 1.579 trẻ em bị xâm hại và hơn 2.000 vụ bạo lực học đường được phát hiện. Trung bình mỗi ngày có 4,6 trẻ em bị xâm hại tình dục. Chúng bị xâm hại ở cả ba nơi: Công cộng, trường học và gia đình.
Thực trạng này đặt ra cho chúng ta một vấn đề quan trọng là: Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em hiện nay còn hẹp, khi mà trong gia đình, họ tiếp tục là nạn nhân bị người thân xâm hại, bạo hành, giết hại. Gần đây, các vụ án của bé gái 3 tuổi tại Hà Nội năm 2020, bị cha dượng và mẹ đẻ hành hạ, đánh đập đến chết; Tiếp theo là vụ bé gái 8 tuổi bị mẹ kế đánh đập đến chết trong sự tòng phạm của bố đẻ năm 2021 và một cháu gái khác ở Hà Nội đã bị 9 cái đinh găm vào não đang nguy kịch tại bệnh viện đã làm cả xã hội kinh ngạc và căm phẫn vì mức độ tàn bạo của những con thú đội lốt người. Chúng ta không chỉ xót thương các cháu mà còn đặt vấn đề cải cách luật pháp, chính sách để chống bạo lực, bảo vệ phụ nữ và trẻ em thiết thực và có hiệu quả hơn.
Hiện nay chúng ta có quá nhiều cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em như các cấp chính quyền, công an, Cục trẻ em, Hội LHPN, Hội bảo về quyền trẻ em, Tổng đài Quốc Gia bảo vệ trẻ em 111, các cơ quan truyền thông… Về phía quốc tế có các tổ chức UN Women, UNICEF, Save Chidrend nhưng hoạt động của các tổ chức này chưa đáp ứng được tình hình thực tế.
Ở góc độ pháp luật, chúng ta cũng đã có những đạo luật bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em đã đi vào cuộc sống, cụ thể như Luật Trẻ em; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật phòng chống buôn bán người hay những Nghị định, Quyết định của Chính phủ trong nỗ lực tạo khung pháp lý vững chắc bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Xây dựng không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em là xây dựng không gian an toàn cho con người là một việc khó khăn và lâu dài. Nó đòi hỏi không chỉ có mục tiêu rõ ràng, mà còn cần một kế hoạch, lộ trình cụ thể thích ứng từng giai đoạn, điều kiện của sự phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, từng bước đẩy lùi các hủ tục chống phụ nữ và trẻ em và các hoạt động tội phạm.
Cần tạo ra một phong trào mạnh mẽ để tiếp tục hoàn thiện và thực thi pháp luật về không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Điều này đòi hỏi sự phối hợp, kết nối của tất cả các cơ quan, tổ chức chính phủ và xã hội dân sự, gia đình, trường học, đặc biệt là các khối phố, láng giềng gần gũi và chính phụ nữ và trẻ em cũng cần học các kỹ năng bảo vệ an toàn cho bản thân.
Sau cùng cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của truyền thông, >phim ảnh trong việc hạn chế sản xuất các bộ phim có nhiều hình ảnh khiêu dâm và bạo lực góp phần làm băng hoại đạo đức xã hội, “dạy” cho kẻ thủ ác bạo lực và phá hoại không gian an toàn của xã hội.
GS.TS Lê Thị Quý
Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển
Chủ tịch Quỹ Văn Hiến Việt Nam