Công an TP.HCM đang cập nhật danh sách từ 17 sở, ngành với tổng số 7.500 cán bộ, công nhân viên vào phần mềm VNEID để quản lý, kiểm soát lưu thông.
Chiều 23/9, trong họp báo về phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM, thượng tá Huỳnh Quang Tuyến - Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, theo thống kê của Công an Thành phố, đến nay đơn vị đã tiếp nhận danh sách từ 17 sở, ngành của TP, với tổng số cán bộ công nhân viên trên 7.500 người.
Theo nguồn tin từ Zing news, Công an TP.HCM đang cập nhật thông tin vào phần mềm >VNEID để quản lý, kiểm soát lưu thông. Trong đó, để hạn chế thủ tục cấp đổi giấy đi đường và việc lạm dụng >giấy thông hành không đúng mục đích, Công an TP.HCM đề xuất phương án giải quyết cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được phép lưu thông đến trụ sở làm việc theo thời gian từ 6h30 - 8h và 16h30 - 18h và tuyến đường được phép lưu thông từ nơi ở đến trụ sở làm việc.
Những người thực hiện nhiệm vụ ngoài khung giờ và tuyến đường vẫn sử dụng giấy đi đường đã cấp (trường hợp đổi ca, bị nhiễm COVID-19... thì đổi giấy). Trường hợp đặc biệt do yêu cầu công việc cần lưu thông, Công an TP xem xét cấp bổ sung giấy đi đường và xem xét giải quyết từng đơn vị.
Các đơn vị gửi danh sách cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đăng ký làm việc tại trụ sở về Sở Nội vụ tập hợp (theo chỉ đạo tại công văn 3086) và gửi về Công an TP để cập nhật danh sách quản lý về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Người đi đường phải khai báo y tế trên phần mềm VNEID của Bộ Công an trước khi ra đường. Công an TP kiểm tra thẻ ngành, thẻ nhân viên và lịch công tác (hoặc đối chiếu với danh sách làm việc đã được cung cấp, cập nhật phần mềm).
Cán bộ, công nhân viên, người lao động phải được tiêm 2 mũi vắc xin (theo công văn 3086), gia đình không thuộc khu vực phong tỏa cách ly (nội dung này do thủ trưởng đơn vị thẩm định, ký duyệt, cán bộ, công nhân viên, người lao động cam kết).