Trạm y tế lưu động có 1 bác sĩ, 2 - 3 điều dưỡng, 3 - 4 nhân sự khác với đầy đủ thuốc thiết yếu, ô xy để theo dõi, chăm sóc F0 cách ly tại nhà.
Theo báo Tiền Phong đưa tin, chiều 19/8, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, TP.Thủ Đức khẩn trương xây dựng kế hoạch thành lập và sớm triển khai mô hình các Trạm y tế lưu động tại mỗi phường, xã, thị trấn.
Cụ thể, tùy theo số lượng người F0 của mỗi phường, xã, thị trấn đang quản lý, UBND phường, xã, thị trấn chọn các địa điểm để tham mưu cho UBND TP.Thủ Đức và quận, huyện thành lập các Trạm y tế lưu động. Các địa phương có thể tận dụng các cơ sở sẵn có trên địa bàn như nhà văn hóa, khu sinh hoạt cộng đồng, các phòng khám tư nhân,… để làm trụ sở hoạt động của trạm y tế lưu động.
Theo thông tin báo Lao động, ngày 20/8, TP.HCM có 6 trạm y tế lưu động được thành lập, trong đó có 1 trạm đặt tại Quận 3 và 5 trạm đặt tại Quận 7 nhằm chủ động và tăng cường chăm sóc >sức khỏe cho F0 cách ly tại nhà.
PGS.TS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: "Trạm y tế lưu động có 2 chức năng, quản lý sức khỏe bà con trên địa bàn (bên cạnh trạm y tế đang có sẵn) và quản lý các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà. Mỗi trạm y tế lưu động sẽ quản lý và chăm sóc từ 50 - 100 người mắc COVID-19".
Mỗi trạm y tế phải có danh sách, liên hệ thăm khám tại nhà và tặng túi thuốc y tế chăm sóc sức khỏe cho người mắc COVID-19 mà Sở Y tế đã hướng dẫn cho toàn ngành thực hiện cho F0. Ngoài ra còn có máy đo chỉ số oxy SpO2 tại nhà, để người dân xác định được mức độ nguy cơ, nhân viên y tế thường xuyên nhắc nhở để can thiệp.
Theo bác sĩ Lê Thị Bảo Yến - Trưởng Trạm y tế lưu động số 1, Quận 3 cho biết, trạm nhận thông tin F0 báo lên có triệu chứng thì sẽ đến tận nhà khám, tùy vào tình huống của bệnh nhân, có thể cho bệnh nhân theo dõi ở nhà, cho thuốc. Trường hợp nào cần thiết, không để theo dõi ở nhà thì điều phối xe để lên trạm lưu động số 1, nếu người nhà chở lên được thì có thể chở lên viện. Hiện trạm có 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng. Bác sĩ Lê Thị Bảo Yến cho hay:
"Trạm được trang bị giường và bình oxy để đảm bảo cho bệnh nhân khó thở, ngoài ra còn có 4 máy tạo oxy. Bệnh nhân tới sẽ được cho thuốc các loại theo thông tư mới nhất điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại nhà. Sau khi điều trị dùng thuốc, cho thở oxy mà bệnh nhân không cải thiện hoặc có chuyển biến nặng hơn thì sẽ được xin xe điều phối để chuyển lên tuyến trên".
Theo thông tin của Thanh Niên, hiện tại TP.HCM có 18.943 ca F0 cách ly tại nhà, trong đó nhiều nhất là Q.8, Q.7, Q.12, Q.Tân Bình, H.Bình Chánh,… Căn cứ thực tế, Sở Y tế TP.HCM đề nghị thành lập 389 Trạm y tế lưu động. Trong đó, Q.8 có 49 trạm, Q.Tân Bình có 40 trạm, Q.7 có 36 trạm, Q.Bình Thạnh có 39 trạm… Dự kiến mỗi Trạm y tế lưu động quản lý và chăm sóc từ 50 - 100 ca F0. Hiện tại, TP.HCM có 319 Trạm y tế cố định.