CDC TP.HCM sáng 9/2 ghi nhận hai ca nghi nhiễm sau khi xét nghiệm giám sát 830 nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) TP.HCM, một người nghi nhiễm là nhân viên của công ty VIAGS, nơi đã ghi nhận 5 trường hợp lây nhiễm trước đây. Một người là nhân viên của Vietnam Airlines, cùng thực hiện giám sát hàng hóa chung với "bệnh nhân 1979" ngày 30-31/1.
VIAGS là Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam.
Tính đến ngày 9/2, sân bay Tân Sơn Nhất ghi nhận 7 trường hợp mắc Covid-19 cùng chung nhóm làm việc bốc dỡ, sắp xếp, giám sát hành lý, hàng hóa ở sân đỗ máy bay. Ngoài 7 trường hợp này, ghi nhận 25 trường hợp nhiễm có liên quan đến nhân viên sân bay chiều qua được Bộ Y tế công bố với mã số bệnh nhân từ 2014 đến 2038.
CDC khuyến cáo người tới sân bay Tân Sơn Nhất nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và TP.HCM, tuân thủ nghiêm các quy định của sân bay.
Hôm 29/1, ngay khi nhận được thông tin có sự lây nhiễm tại sân bay Vân Đồn, Ban chỉ đạo Thành phố đã họp khẩn. Nhận định nguy cơ của sân bay là rất lớn, CDC TP.HCM quyết định thực hiện lấy mẫu giám sát toàn bộ nhân viên làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 30/1. Kết quả, đã xét nghiệm tổng cộng 8.130 mẫu và phát hiện các trường hợp nhiễm nêu trên.
Hiện TP.HCM lấy mẫu giám sát lần hai đối với nhân viên công ty VIAGS, triển khai xét nghiệm hàng ngày đối với nhân viên sân bay phục vụ hành khách trước khi vào ca làm việc hôm sau.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng tại TP.HCM có những trường hợp có thể đã nhiễm nhưng không phát hiện được.
"Điều lo lắng nhất là dịch đã trải qua các chu kỳ lây nhiễm nhưng chúng ta chưa bắt được điểm đầu của chuỗi lây. Nguy cơ lây nhiễm quá phức tạp", ông Long nhận định.
Bộ Y tế nhận định các ca nhiễm ở TP.HCM là ổ dịch mới, không liên quan vùng dịch từ Hải Dương, Quảng Ninh. Ban Thường trực chống dịch tại TP.HCM, do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, người từng điều hành chống dịch ở Đà Nẵng, đứng đầu, được thành lập ngày 9/2.