Với nhóm trẻ mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM lên kế hoạch, thời gian đầu các trường chỉ nhận giữ trẻ một buổi, không ăn sáng, không bán trú. Các trường cần phải chia đôi lớp và bố trí lệch buổi.
Thông tin từ báo Thanh Niên, theo phương án mở cửa trường học, học sinh học trực tiếp trở lại trong tờ trình về dự thảo kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục của Sở GD-ĐT TP.HCM thì việc tổ chức đi học trở lại phải đảm bảo an toàn khi đào tạo trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19.
Trong đó, với trẻ mầm non, nhóm đối tượng đã nghỉ học từ đầu tháng 5 và không học trực tuyến như các bậc phổ thông, thì việc mở cửa trở lại rất quan trọng. Với nhóm này, Sở lên kế hoạch, thời gian đầu các trường chỉ nhận giữ trẻ một buổi, không ăn sáng, không bán trú. Các trường cần phải chia đôi lớp và bố trí lệch buổi.
Sau mỗi tuần, phòng GD-ĐT sẽ đánh giá độ an toàn và các điều kiện để tham mưu UBND quận, huyện điều chỉnh phương án theo hướng mở dần (tổ chức ăn sáng, bán trú, bỏ tách lớp…).
Đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, từng trường chủ động xây dựng phương án tổ chức hoạt động nhà trường để linh hoạt thực hiện việc dạy và học phù hợp với quy định cấp độ dịch tại địa phương, nơi trường trú đóng và được Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 đánh giá an toàn.
Để chuẩn bị cho việc đi học trở lại, Sở yêu cầu rà soát tình hình cơ sở vật chất trường học trên địa bàn, kể cả ngoài công lập, kế hoạch và tiến độ bàn giao các trường được trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch…
Đặc biệt về đội ngũ, các cơ sở phải nắm lại tình hình của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường để có phương án bổ sung, hợp đồng tạm (nếu có) để hoạt động trở lại, nhất là với các cơ sở giáo dục mầm non. Những giáo viên đã tiêm đủ liều vắc xin sẽ được phép di chuyển từ nhà đến trường để làm việc. Và chỉ những giáo viên được chích ngừa vắc xin phòng Covid-19 từ 2 tuần trở lên mới được vào trường.
Trước đó, trả lời báo chí về dự kiến đi học trở lại của học sinh, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, nếu tình hình tiêm chủng vắc xin ổn định thì các em có thể đi học sau 5 tuần tới.
Trong một diễn biến liên quan, Thông tấn xã Việt Nam dẫn tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tính đến ngày 25/10, cả nước có 23 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp; 15 tỉnh, thành phố kết hợp >dạy học trực tiếp với trực tuyến và học qua truyền hình; 25 tỉnh, thành phố vẫn tiếp tục dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Cụ thể, 23 tỉnh, thành phố dạy học trực tiếp gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hải Phòng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Sơn La và Lạng Sơn.
15 địa phương kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình, gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Phú Thọ, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Bắc Ninh, Lâm Đồng, Nghệ An, Hải Dương, Bình Định, Quảng Trị và Đắk Nông.
Các tỉnh, thành phố đang tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình, gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Hậu Giang, Hưng Yên, Kiên Giang, Long An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hà Nam, Cà Mau và Gia Lai.