Các siêu thị ở TP.HCM được mở cửa đến 23h hàng ngày, đồng thời giới hạn lượng khách mua sắm cùng thời điểm để đảm bảo giãn cách, phòng chống dịch COVID-19.
Theo thông tin từ Zing News, ông Đinh Quang Khôi - Phó giám đốc Marketing MM Mega Market - cho biết chuỗi đại siêu thị này sẽ tăng thời gian hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng đột biến của người dân. Cụ thể, thay vì mở cửa từ 6h đến 21h, hệ thống này sẽ phục vụ đến 23h hàng ngày.
Đồng thời, tùy mặt bằng từng siêu thị, MM Mega Market sắp xếp lượng khách hàng vào mua sắm để đảm bảo giữ khoảng cách an toàn, tránh tình trạng khách hàng tập trung quá đông bên trong khuôn viên. Lượt khách kế tiếp được bố trí xếp hàng ở khu vực bãi đỗ xe hoặc cổng.
Tương tự, từ ngày 7/7, siêu thị Satramart Sài Gòn và Phạm Hùng mở cửa từ 7-23h, trong khi Satramart Củ Chi và chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods hoạt động từ 6-22h.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn tối đa cho người dân đến mua sắm tại thời điểm dịch COVID-19 phức tạp, ở tất cả điểm bán lẻ, Satra đều tăng cường nhân viên để nhắc nhở người tiêu dùng tuân thủ quy định 5K và khai báo y tế đầy đủ
Trong khi đó, Aeon Việt Nam chi nhánh Tân Phú giới hạn 100 lượt khách cùng thời điểm, trong khi chi nhánh Bình Tân giới hạn 20 người cùng lúc mua sắm ở khu vực thực phẩm tươi sống (rau củ quả). Người tiêu dùng chờ tới lượt được yêu cầu xếp hàng, tuân thủ giãn cách, đồng thời siêu thị có bố trí chỗ ngồi bên trong.
Ba ngày nay, Aeon Việt Nam đã tăng nguồn cung từ 5-7 lần với các sản phẩm thực phẩm tươi sống và 3-4 lần với thực phẩm khô. Tại Aeon Tân Phú, chỉ riêng mặt hàng thịt (thịt gà, thịt bò, thịt heo...), ngày 8/7 siêu thị chủ động tăng gấp 3 lần so với ngày 7/7.
Còn ở Aeon Bình Tân, siêu thị tăng gấp 7 lần nguồn cung của một số mặt hàng thịt được khách hàng mua nhiều, tổng sản lượng thực phẩm tươi sống tăng đến 4 lần.
Trong khi đó, Satra tăng 3-4 lần lượng đơn đặt hàng tươi sống như thịt heo, cá, rau củ quả đã được đặt từ sớm với số lượng tăng gấp 3-4 lần so với trước đây. Các mặt hàng nhu yếu phẩm khác như gạo, đường, dầu ăn, muối, nước mắm, thực phẩm khô và các sản phẩm chống dịch cũng được chuẩn bị đủ để phục vụ thị trường với giá bình ổn.
Trong công văn khẩn về việc áp dụng Chỉ thị 16 trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp bình ổn tăng lượng hàng cung ứng cho các hệ thống phân phối hiện đại và gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000-150.000 tấn/tháng.
Song song với việc phát huy năng lực cung ứng của các chuỗi bán lẻ này, đặc biệt ở kênh trực tuyến, TP cũng yêu cầu ngành công thương chỉ đạo tổ chức các điểm bán bổ trợ, đi chợ thay cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn, không sử dụng được điện thoại để đặt hàng, mua sắm trực tuyến.