Các cơ sở giáo dục sẽ quyết định việc tổ chức dạy học trực tiếp hay trực tuyến theo cấp độ dịch - được UBND TP.HCM công bố vào sáng thứ hai hàng tuần.
Theo Tuổi trẻ đưa tin, hôm nay 13/12, hơn 100.000 học sinh lớp 9 và lớp 12 ở TP.HCM trở lại trường học trực tiếp sau hơn 7 tháng ở nhà học trực tuyến. Nhà trường, phụ huynh, học sinh đã sẵn sàng để vượt qua những âu lo, chuẩn bị tốt nhất cho các con tới trường.
TS. Nguyễn Minh - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết: "Các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, nhân viên - nhà trường đã và đang thực hiện một cách chặt chẽ. Chúng tôi sắp xếp cho học sinh khối 9 và 12 học tập ở 2 khu vực cách biệt nhau. Ngay cả phòng cách ly đối với các trường hợp nghi nhiễm cũng được bố trí riêng cho 2 khối lớp. Trường Trần Đại Nghĩa không tiến hành tách lớp vì sĩ số học sinh/lớp không cao, tuy nhiên trường bố trí các lớp cách phòng với nhau, tức là giữa 2 lớp có 1 phòng trống.
Trong 2 tuần đầu thí điểm dạy trực tiếp, học sinh chỉ học 1 buổi/ngày với 20 tiết/tuần, tập trung vào những môn học có liên quan đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 (đối với khối lớp 9) và kỳ thi tốt nghiệp THPT (đối với khối lớp 12), các môn còn lại học sinh vẫn học trực tuyến".
Trong khi đó, thầy Trần Văn Luyện - Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng quận 5 cho hay: "Chúng tôi thực hiện tách lớp làm đôi và thời khóa biểu học trực tiếp chỉ có 3 buổi/tuần, phần còn lại học sinh vẫn tiếp tục học trên Internet. Học sinh vào trường và ra về theo sơ đồ một chiều và lệch giờ để đảm bảo giãn cách".
Bên cạnh, TP.HCM còn có rất nhiều trường trung học tư thục tiếp nhận học sinh ở các tỉnh thành ngoài TP đến học. Thầy Ngô Vĩnh Trường - Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Tân Phú, quận Tân Phú cũng thông tin: "Với những học sinh nội trú, phụ huynh sẽ cho các em test COVID-19 ở nhà trước khi nhập trường vào chiều 12/12. Học sinh và giáo viên quản nhiệm nội trú sẽ thực hiện "3 tại chỗ" trong suốt 2 tuần thực hiện thí điểm đi học lại chứ không về nhà vào cuối tuần như bình thường. Riêng đối với học sinh các lớp bán trú thì phụ huynh sẽ cho các em test COVID-19 tại nhà vào chiều chủ nhật hằng tuần, nếu có kết quả âm tính thì sáng thứ hai các em sẽ đi học".
Theo ông Trường, các học sinh bán trú sẽ học 2 buổi/ngày và ăn trưa tại trường nhưng chỉ học 3 ngày/tuần để hạn chế cho các em phải đi ra đường. Thực hiện quy định phòng chống dịch nên chúng tôi sắp xếp cho học sinh các lớp ăn uống, sinh hoạt, học tập theo nhóm. Học sinh nội trú có những nhóm, cụm riêng, học sinh bán trú cũng có nhóm, cụm riêng. Thậm chí lối đi lên phòng học thì học sinh bán trú và nội trú cũng đi riêng cho dễ khoanh vùng các nhóm.
Ghi nhận về các phương án xử lý F0 ở hầu hết các trường THCS, THPT cho thấy: sau khi F0 được xử lý theo đúng quy trình thì các học sinh là F1 vẫn được đi học bình thường nếu đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và không có bệnh nền. TS Nguyễn Minh cho rằng: "Lớp học có F0 không có nghĩa tất cả học sinh còn lại đều là F1. F1 là những người có giao tiếp khoảng cách dưới 2m với F0, tiếp xúc trong khoảng thời gian 15 phút trở lên. Nhà trường đang yêu cầu các giáo viên thực hiện một số biện pháp, trong đó có việc hạn chế tiếp cận học sinh để tránh tình trạng giáo viên lây nhiễm cho học sinh và ngược lại".
Trao đổi với Người Lao động, Ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, sau khi học sinh quay lại học trực tiếp, các trường không tổ chức kiểm tra ngay mà để các em có thời gian thích nghi, "giữ thăng bằng". Các trường và thầy cô sẽ rà soát, đánh giá lại quá trình học tập trực tuyến của các em, HS nào đang thiếu hụt kiến thức gì… Theo nguyên tắc, tất cả HS đều được bổ sung kiến thức như nhau.
"Đối với việc kiểm tra, đánh giá cuối kỳ I đối với HS lớp 9 và 12, chủ trương là kiểm tra theo hình thức trực tiếp" - ông Minh nhấn mạnh.