Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, nếu như tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đến mức không kiểm soát được thì thành phố buộc phải siết lại.
Theo báo Tiền Phong đưa tin, tối 12/11, tại chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời” về chủ đề: "Phòng, chống dịch COVID-19 khi tình hình có dấu hiệu phức tạp trở lại", TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM và TS.BS Phan Minh Hoàng - Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 6 đã giải đáp trực tiếp những băn khoăn, thắc mắc của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, đầu tháng 10, TP.HCM mở cửa trở lại với hy vọng hệ thống điều trị đáp ứng cùng với độ phủ vắc-xin thì thành phố có thể sống chung và thích ứng với trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là người dù đã tiêm chủng đầy đủ không có nghĩa là không bị nhiễm và không bị diễn tiến nặng. Thực tế vẫn có một tỷ lệ nhỏ, đặc biệt là những người có bệnh nền.
Vài ngày qua, số ca nhiễm có dấu hiệu tăng trở lại trên toàn địa bàn TP.HCM, trong đó có 5 quận huyện tăng cao nhất là quận Bình Tân, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, TP. Thủ Đức,… Ông khẳng định, nguyên nhân số ca nhiễm tăng trở lại là do TP.HCM nới lỏng giãn cách từ đầu tháng 10 để phục hồi kinh tế và các hoạt động xã hội.
Ngành y tế TP.HCM có khuyến cáo gì đối với người dân? Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, virus SARS-CoV-2 có thể vượt qua được kháng thể của cơ thể nên dù người dân tiêm đủ liều vắc xin rồi cũng không được chủ quan. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay vẫn là hạn chế tập trung đông người, giữ khoảng cách, 5K, đeo khẩu trang, rửa tay, đặc biệt là bỏ thói quen đưa tay lên mắt, mũi, miệng…
Trả lời một số thắc mắc về việc ứng phó như thế nào khi ca nhiễm tăng trở lại và các lực lượng tăng cường đã rút khỏi TP.HCM, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, Sở Y tế đã xây dựng kịch bản cho 4 cấp độ dịch.
“Nói chung, thành phố đã chuẩn bị các kịch bản, kể cả xấu nhất. Không ai mong muốn nhưng nếu như dịch bệnh diễn biến phức tạp đến mức không kiểm soát được thì TP.HCM buộc phải siết lại, thậm chí quay lại biện pháp giãn cách xã hội như thời gian trước. Các nước phát triển cũng xử lý như vậy. Khi các ca bệnh tăng đến mức không kiểm soát được thì buộc phải đóng cửa, phong toả, giãn cách...” - ông Châu nhấn mạnh.