Lần đầu tiên, tuổi kết hôn trung bình ở TP. Hồ Chí Minh vượt mốc 30, đây là mức kỷ lục tại Việt Nam. Điều này góp phần tạo nên mức sinh thấp và đẩy nhanh già hóa dân số.
Theo thông tin được Tổng cục Thống kê công bố trong tháng 7, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại TP. HCM là 30,4. Con số này là mức kỷ lục mới tại Việt Nam và nó cũng góp phần tạo nên mức sinh thấp cũng như đẩy nhanh già hóa dân số.
Được biết, trong những năm vừa qua, độ tuổi kết hôn của giới trẻ TP. HCM luôn cao nhất cả nước, tuy nhiên, đây là năm đầu tiên con số này vượt mốc 30.
Cụ thể, con số trên có xu hướng tăng liên tục từ năm 2019, bình quân mỗi năm tăng 0,7 tuổi. Trong khi đó, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của cả nước cũng tăng dần theo thời gian và hiện nay đang ở mức 27,2.
Ảnh hưởng của việc kết hôn muộn hiện nay chính là mức sinh thấp và tốc độ già hóa dân số nhanh chóng của TP. Hồ Chí Minh. Số con trung bình của một phụ nữ thành phố trong độ tuổi sinh đẻ là 1,32 trong khi năm ngoái là 1,42, giảm ở mức cảnh báo, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế Việt Nam đang duy trì là 2-2,1 con trên mỗi phụ nữ.
TP. Hồ Chí Minh cũng đang bước nhanh vào giai đoạn già hóa dân số, với hơn 1,1 triệu người trên 60 tuổi, chiếm tỷ lệ 12,5%. Năm ngoái, số này là 11%, chưa tới 10% ở những năm trước.
Theo các chuyên gia, việc người trẻ ngại kết hôn là xu hướng chung của thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Có thể thấy, người trẻ hiện có nhiều cơ hội, được lựa chọn nhưng cũng đi kèm với nhiều thách thức trong cuộc sống, kinh tế, cơ hội nghề nghiệp... Ngoài ra, việc nuôi dạy một đứa con sau khi kết hôn cũng không thực sự không dễ dàng, cần có sự chuẩn bị kĩ càng về kinh tế lẫn tinh thần. Chưa kể tỉ lệ ly hôn cao và ngày càng tăng hiện nay cũng là lý do ảnh hưởng tới tâm lý sợ kết hôn ở người trẻ.
Việc kết hôn trễ dẫn đến có con cái muộn cũng đang là điều khiến ngành y tế quan tâm. Theo các chuyên gia y tế, giai đoạn vàng trong độ tuổi sinh sản của nữ giới là từ 20 - 25 tuổi, đây là giai đoạn buồng trứng phát triển tối ưu, ít gặp bất thường nhất. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay của phần lớn người trẻ cần ổn định sự nghiệp trước nên thường chọn kết hôn và có con muộn. Điều này dẫn đến thực tế phụ nữ có thai ở độ tuổi lớn hiện đã tăng lên so với chừng chục năm về trước.
Trong đó, ghi nhận tại bệnh viện vào khoảng 10% phụ nữ mang thai trên 30 tuổi, nhiều sản phụ đối mặt với những bệnh lý nguy hiểm. Với những sản phụ lớn tuổi khi mang thai (từ 35 tuổi trở nên) thì nguy cơ em bé gặp phải những bất thường cũng sẽ cao.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em cho hay, nam nữ kết hôn sau 30 tuổi có thể dẫn đến tình trạng cùng một lúc phải chịu nhiều gánh nặng khi chăm sóc bố mẹ già và con nhỏ. Lúc này, gánh nặng sẽ nhân lên gấp hai, ba lần.
"Thanh niên có nỗi sợ về việc phải dành thời gian >chăm sóc con, phải nghỉ làm, mất cơ hội thăng tiến. Gánh nặng kinh tế trong việc >nuôi dạy con theo mức sống sung túc như hiện nay, lo cho con đi học trường tốt thậm chí đi du học… cũng khiến nhiều người không dám đẻ nhiều. Chúng ta từng vận động đẻ ít, sinh đủ 2 con nhưng giờ có 'khuyến đẻ' thanh niên cũng không đẻ", GS Nguyễn Đình Cử nhận định.
Các chuyên gia dân số chỉ ra rằng, mức sinh thấp kéo dài để lại những hệ lụy rất lớn cho> xã hội như gây ra tình trạng suy giảm quy môn dân số, tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động.
Đáng nói, chúng ta đang bước vào thời kỳ già hóa dân số nhanh. Dự tính khoảng 15 năm nữa, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già với rất nhiều vấn đề về an sinh xã hội đặt ra. Nếu như mức sinh xuống thấp sẽ càng đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, khiến chúng ta "trở tay không kịp".
Xã hội toàn người già thì lực lượng lao động giảm, đồng thời kéo theo nhiều người phải bỏ thời gian, công sức chăm sóc, nuôi dưỡng người nhà. Như vậy, xã hội thiếu lao động, tăng hệ thống an sinh, "thu ít mà chi nhiều".
Ngoài ra, mức sinh thấp làm gia tăng các dòng di cư do mức sinh thấp, lực lượng lao động thiếu hụt tác động đến các chính sách di cư làm tăng các dòng di cư, thu hút lao động nhập cư…