Trong 7 ngày qua, có 3 bệnh nhân diễn biến nặng, 7 trường hợp có biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn tại Khoa Cấp cứu, và 42 người khác đang nằm điều trị ở Khoa Virus ký sinh trùng. Tất cả đều đang được theo dõi y tế tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Phương Duy 19:59 24/03/2020

3 bệnh nhân diễn biến nặng 

Chiều 24/3, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã đến làm việc tại BV Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở 2. 

PGS.TS Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện cho biết, hiện nay tại đây đang điều trị cho 46 bệnh nhân dương tính >Covid-19, trong đó có 34 người Việt Nam và 12 người nước ngoài. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng đang sàng lọc 348 trường hợp có biểu hiện ho, sốt. Hàng ngày, bệnh viện lấy mẫu, xét nghiệm hàng trăm trường hợp.

Trong 7 ngày qua, có 3 bệnh nhân diễn biến nặng, 7 trường hợp có biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn tại Khoa Cấp cứu, và 42 người khác đang nằm điều trị ở Khoa Virus ký sinh trùng.

Tình hình >sức khỏe 3 bệnh nhân nặng, gồm:

Bệnh nhân nữ người Việt, 64 tuổi, hiện vẫn đang thở máy và duy trì can thiệp ECMO. Hiện, chỉ số sinh tồn của bệnh nhân ổn định, giảm chế độ thở máy, tuy nhiên vẫn trong tình trạng nặng.

Bệnh nhân nam người Anh, 69 tuổi, đã trải qua 9 ngày điều trị trong phòng hồi sức. Dấu hiệu sinh tổn ổn định, giảm thở máy so với 2 ngày trước, tiếp tục duy trì điều trị.

Bệnh nhân nam người Việt, 50 tuổi, được chuyển vào phòng Hồi sức tích cực từ ngày 22/3, mới bắt đầu bước sang tuần điều trị thứ 2, dự báo có thể diễn biến nặng hơn nữa. Hiện trạng dấu hiệu sinh tồn, huyết áp của bệnh nhân ổn định.

3 bệnh nhân này đều đã kết thúc liệu trình lọc máu, tiếp tục được theo dõi sát. Nếu có bất thường gì sẽ được hội chẩn chuyên môn.

Về tình hình diễn biến dịch đợt 2, bác sĩ Thạch nhận định, số lượng bệnh nhân đông hơn, đa dạng độ tuổi. Nếu như giai đoạn 1 (từ ngày 6/3 về trước), chủ yếu là người trẻ, thì sau này xuất hiện các các bệnh cao tuổi, sẵn bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch,...). 

Do vậy, diễn biến dịch đợt này có nhiều khó khăn hơn trước. Bệnh viện đã chủ động phân luồng, sàng lọc, cách ly, hướng dẫn nhân viên sử dụng thiết bị bảo hộ để đảm bảo an toàn công tác khám chữa bệnh.

"Tuy nhiên, điều đáng buồn đã xảy ra, khi một bác sĩ của khoa Cấp cứu, thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 từ đợt 1, đã nhiễm Covid-19. Cho nên, để đảm bảo an toàn điều trị, bệnh viện tiến hành phân luồng, sàng lọc, cách ly người nhiễm, nghi nhiễm riêng, hướng dẫn nhân viên sử dụng thiết bị bảo hộ để đảm bảo an toàn công tác khám chữa bệnh", PGS.TS Phạm Ngọc Thạch nói.

Hai tuần qua, nhiều y bác sĩ, nhân viên y tế thường xuyên ở lại BV để trực chiến, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người bệnh. Đồng thời tự cách ly, hạn chế nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. 

Dành mọi nguồn lực tốt nhất cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Ông Vương Ánh Dương – Trưởng phòng Nghiệp vụ (Cục Quản lý khám, chữa bệnh) báo cáo, sau khi BV Bệnh Nhiệt đới TW 2 xác nhận có bác sĩ đầu tiên nhiễm bệnh, Cục đã yêu cầu BV phối hợp với các cơ quan chức năng, điều tra nguyên nhân, khoanh vùng lây nhiễm những người có nguy cơ, rà soát các việc từ tiếp đón, tuân thủ sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân. Đặc biệt, yêu cầu BV cử một nhân viên chuyên trách giám sát các quy trình hạn chế nhiễm khuẫn. 

Ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, nên phân loại 5 khu cách ly đáp ứng từng nhóm bệnh nhân: Khu vực bệnh nhân dương tính (gồm: khu vực bệnh nhân nặng và khu vực bệnh nhân nhẹ, trung bình); Khu vực người bệnh nghi ngờ có dấu hiệu lâm sàng, chưa có kết quả xét nghiệm; Khu vực bệnh nhân nghi ngờ và có kết quả âm tính, tiếp tục theo dõi; Khu vực bệnh nhân dương tính đã hoàn thành điều trị, tiếp tục theo dõi nhiễm khuẩn; và Khu vực những người tiếp xúc gần cần giám sát chung. 

"80% người tiếp xúc trong gia đình có thể lây nhiễm", ông Khoa khẳng định.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) yêu cầu BV rà soát lại toàn bộ công việc trước bối cảnh hiện nay số lượng bệnh nhân tăng cao và xuất hiện nguy cơ lây nhiễm chéo trong BV. 

Đối với nhân viên y tế, Cục yêu cầu rà soát xem những ai ở bộ phận nào có thể điều chuyển, sắp xếp, cách ly phù hợp để đảm bảo công tác khám chữa bệnh. Đồng thời, BV cũng cần rà soát lại nguồn trang thiết bị, để kịp thời có báo cáo Bộ Y tế để có giải pháp phù hợp.

"Bệnh viện cần chi viện, thì báo cáo Cục Quản lý Khám chữa bệnh để Cục xin ý kiến lãnh đạo Bộ Y tế bàn thảo, quyết định. Quan điểm của Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng như của Tiểu ban Điều trị là sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế dành mọi nguồn lực tốt nhất cho công tác chống dịch của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương"- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Ông Khuê cho biết, Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng chuyên môn với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu ở các bệnh viện tuyến Trung ương như Huế, Bạch Mai, Chợ Rẫy, để hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân nặng. Hội đồng thường xuyên hội chẩn, báo cáo Bộ Y tế tình hình các ca bệnh, đồng thời, cập nhật, điều chỉnh phác đồ điều trị với bệnh nhân nặng.

"Tôi yêu cầu BV kiểm tra việc thực hiện quy trình của các khoa phòng, từ việc cởi bỏ quần áo bảo hộ có đúng không, để phòng lây nhiễm dịch bệnh. Phải nghiêm khắc hơn nữa, hạn chế lây nhiễm chéo, để chúng ta có đủ sức lực, niềm tin chiến đấu với đại dịch này. Chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng", ông Khuê nói. 

Theo Minh Nhân/Tổ Quốc