Sau nhiều ngày tìm kiếm bé trai 10 tuổi, lực lượng chức năng đã áp dụng nhiều phương pháp cũng như thay đổi các cách thức đưa bé lên an toàn nhất.
Mới đây, chia sẻ trên Báo SGGP, ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở GTVT tỉnh >Đồng Tháp cho biết: Ban chỉ đạo đã thống nhất phương án tối ưu, khả thi nhất để nhổ trụ bê tông sâu 35m, nơi bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) bị kẹt tại công trình xây dựng cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp).
Ông Lê Hoàng Bảo thông tin, ban chỉ đạo thống nhất phương án do đơn vị thi công của Bộ GTVT đề xuất. Nói về tính khả thi của phương án này, ông Bảo cho rằng đáp ứng được về thời gian, an toàn và tận dụng thiết bị tại chỗ. Ban chỉ đạo điều thêm thiết bị cẩu chuyên dụng 80 tấn để phục vụ quá trình giải cứu. Đồng thời, lực lượng cứu hộ khẩn trương thực hiện từng bước một, thận trọng, xuyên suốt để đạt kết quả cuối cùng.
Chia sẻ trên Báo Sức khỏe và >đời sống trước đó, tính đến 21 giờ 5 phút, ngày 1/1, tại hiện trường có 4 máy xúc, 1 máy ủi, 1 xe cẩu và các phương tiện hỗ trợ khác.
Riêng 1 máy trục cọc khoan nhồi bê tông công suất lớn đã được điều động đến hiện trường từ đường sông vào lúc chiều tối hỗ trợ cho việc nhổ trụ bê tông đưa bé trai ra ngoài. Khu vực giải cứu bé trai tập trung nhiều máy móc, thiết bị. Do vậy, tính chất an toàn là trên hết, không muốn có bất trắc xảy ra.
Cùng theo Dân Trí, ngày 2/1, hơn 200 người gồm công nhân, lực lượng chức năng, quân đội gấp rút "chạy đua với thời gian" huy động nhiều máy móc, thiết bị, thực hiện nhiều giải pháp để cứu bé trai lọt trong trụ bê tông cắm sâu vào lòng đất 35m, song chưa có kết quả.
Ông Bửu chia sẻ, phương pháp cứu hộ cháu trai lọt vào trụ bê tông là phương pháp thực hiện lần đầu tiên tại Đồng Tháp và của đơn vị thi công. Đây là biện pháp mà nhóm kỹ thuật cho rằng tốt nhất để cứu bé trai.
Theo ghi nhận, hiện trường nơi xảy ra sự việc cách đường dân sinh khoảng 500m (đường ven kênh An Phong - Mỹ Hòa, ấp 2, xã Phú Lợi). Con đường vào hiện trường, ô tô lớn nhất lọt vừa là loại xe tải 1T65 có chiều rộng hơn 1,8m.
Con đường chính dẫn vào nơi xảy ra vụ việc toàn đất đá nham nhở, độ rộng mặt đường hẹp và bên bồi bên lở có nguy cơ sụt lún nếu phương tiện trọng tải nặng đi qua, khiến xe chuyên dụng không thể tiếp cận.
Vì thế, các thiết bị chuyên dụng được vận chuyển thay thế bằng nhân lực khiêng vác, xe máy, ghe ven mương. Thêm vào đó, tại tuyến đường thủy vào hiện trường là kênh Rọc Sen, có luồng thủy hẹp và cạn nên sà lan và tàu thuyền qua lại gặp nhiều khó khăn.
Lực lượng chức năng phải phát quang cỏ cây hai bên mới có không gian cho tàu thuyền ra vào hiện trường thuận tiện. Do đó, công đoạn di chuyển bị kéo dài thời gian.
Trong quá trình thực hiện giải cứu bé trai 10 tuổi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu, cho rằng, các đơn vị thi công, cứu hộ gặp nhiều khó khăn, do thiết bị, máy móc chuyển từ nơi khác đến; phần đất sâu sét, cứng… dẫn đến thời gian giải cứu bé trai bị kéo dài.
Ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp huy động nhiều chuyên gia, thiết bị máy móc đến cứu giải cứu nạn nhân. Đặc biệt, từ khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, nhiều Bộ, ngành của Trung ương đã vào cuộc.
Người dân quanh khu vực vẫn trông ngóng tình hình vụ việc, với cùng chung mong muốn được đưa cháu bé lên càng sớm càng tốt.