Ngực của An đã bị hoại tử rất nặng, nếu không cắt bỏ nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Đứng trước quyết định từ bỏ thứ mà mình đã từng dành cả thanh xuân để có được, Nini An buộc phải chọn lựa để có thể chăm lo cho tương lai của đứa con nhỏ.

06:58 17/09/2018

Hơn 1 năm trước, phóng sự "Đừng gọi mẹ con là pê đê" đã chạm đến rất nhiều trái tim bởi tình mẫu tử của cô nàng chuyển giới Nini An và con gái nhỏ - Như Ý. 

May mắn hơn nhiều người chuyển giới, Nini An có một tổ ấm hạnh phúc và cơ hội nhận nuôi Như Ý từ khi bé vừa chào đời. Thấu hiểu thiên chức làm mẹ thiêng liêng đến thế nào, nên An luôn nỗ lực làm việc để đem lại cho con điều tốt nhất.

Năm nay Như Ý vừa tròn 6 tuổi và chính thức bước vào lớp 1, thế nhưng ngày đầu tiên đến trường của Ý lại thiếu đi bóng dáng mẹ, bởi những giây phút đó mẹ An đang phải vật lộn với những cơn đau thấu tim trong phòng bệnh.

Ngực của An đã bị hoại tử rất nặng, nếu không cắt bỏ sẽ nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Đứng trước quyết định từ bỏ thứ mà mình đã từng dành cả thanh xuân để có được, An nghẹn ngào: "Ngày xưa chỉ ước sao có ngực để trở thành một người con gái, rồi có chết cũng cam lòng. Nhưng bây giờ thấy sợ cái chết quá, lỡ chết rồi ai nuôi con...".

An sau ca phẫu thuật cắt bỏ phần ngực.

Pê đê không có ngực thì diễn ai coi!

Không riêng gì An mà tất cả những người chuyển giới nữ đều khát khao được một lần sống trong hình hài con gái. Để chạm vào giấc mơ ngắn ngủi đó họ bất chấp đánh đổi tuổi thọ và có khi là chính tính mạng của mình để bước lên bàn mổ chui, không uy tín. Có lần một chị chuyển giới tâm sự: "Chỉ cần được trở thành con gái, thì dù có chết trên bàn mổ cũng mãn nguyện".

Nhưng rồi chính cái ước mơ thanh xuân đó giờ đây lại trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất với những người như An. Vì An đâu chỉ sống cho riêng mình, mà còn sống vì chồng, vì tương lai của con.

Không phải người chuyển giới nào cũng có điều kiện để đến cơ sở y tế uy tín phẫu thuật, vì vậy những biến chứng của An hôm nay là điều hoàn toàn được báo trước. Dẫu vậy An vẫn chấp nhận.

3 năm trước phần ngực được tiêm Silicon của An bắt đầu có những triệu chứng hoại tử. Xuất hiện nhiều vết ửng hồng, nổi đỏ rồi dần dần chuyển sang bầm đen, sơ ý đụng vào nhẹ cũng đau rớt nước mắt. Nhưng An cố gắng chịu đựng, phần vì tiếc hai chữ "đàn bà", phần vì miếng cơm manh áo.

Phần ngực phải cắt bỏ để không ảnh hưởng đến sức khoẻ.

"Đàn bà mà không có ngực thì đâu còn là đàn bà. Pê đê mà không có ngực thì diễn ai coi, không có show đi diễn thì tiền đâu mà sống. Vậy nên cứ chần chừ mãi. Nhiều chị đi trước cũng bị giống em, họ bảo mua thuốc kháng sinh loại mạnh về uống, nhưng càng ngày lại càng nặng hơn. Hôm em nhập viện, bác sĩ bảo phải cắt bỏ phần ngực nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng" - An cảm giác như đã mất đi một thứ gì đó quan trọng của đời mình.

An được mệnh danh là Nữ hoàng lô tô với những màn trình diễn đầy thu hút. (Ảnh: Soha News)

Nhưng đó là sự đánh đổi bắt buộc, An phải sống để còn lo cho tương lai của con. Như Ý chỉ vừa mới vào lớp 1, con đường phía trước của con bé còn rất dài và rất cần có mẹ bên cạnh. 

"Ráng chữa hết bệnh, tui đi làm tui nuôi!"

Hổm rày chị Tư (chị gái ruột) ở bệnh viện để chăm sóc cho An sau ca phẫu thuật, Tư kể: "Từ hồi An nhập viện mọi thu nhập trong nhà đều trông cậy vào Công (chồng An). Thằng Công phải chạy xe taxi ngày đêm để có tiền trang trải cho con, cho vợ. Nhiều bữa đậu xe ngoài ngã tư nằm ngủ, rồi có khách thì người ta tới kêu đi". 

Chị Tư - chị ruột của An là người thay Công chăm sóc vợ ở bệnh viện.

Cuối tuần, Công dẫn bé Như Ý lên thăm mẹ, nhưng thời gian gần nhau cũng không được bao lâu vì bệnh viện không cho phép trẻ em ở qua đêm. Như Ý nhỏ dại đâu biết bệnh tình mẹ thế nào, chỉ biết khóc mỗi khi nhớ. "Mỗi khi con khóc em lại phải nói dối là mẹ sắp về rồi, vài ngày nữa là về nhà với con. Nhưng bác sĩ còn đang theo dõi phần ngực xem có còn biến chứng gì không, và cả phần mông nữa, chắc phải hơn 1 tháng nữa mới ổn" - An tâm sự.

An nói: Nằm trong bệnh viện mãi, tự nhiên nhớ sân khấu, nghe bên kia đường người ta mở nhạc mà thèm được lên sân khấu.

Thấy vợ buồn, Công động viên: "Mấy người (em) ráng chữa hết bệnh, tui đi làm tui nuôi!". Chỉ câu nói đơn giản vậy thôi cũng đổi giúp An có thêm sức mạnh để vượt qua những cơn đau. An và Công nên vợ nên chồng cũng hơn chục năm nhưng chẳng hề có một sự ràng buộc nào trên giấy tờ hay bằng một lễ cưới hỏi. Tôi hỏi An: "Sao hai vợ chồng không làm lễ cưới nhỏ nhỏ để có với người ta, đời người chỉ có một lần thôi mà?". An cười: "Ai mà không muốn được cưới hỏi đàng hoàng, nhưng mà điều kiện không cho phép, với lại mình không giống người ta, làm đám cưới sợ bị cười chê".

Đôi khi cũng chẳng cần phải lễ nghĩa màu mè, bởi chỉ cần những lúc khốn khó hai người vẫn nắm tay nhau để bước đi, vậy là đủ. Chữ vợ chồng sâu nặng đâu phải chỉ trên giấy tờ. 

Dẫu An phải đối diện với bao nhiêu đau đớn thì vẫn có Công luôn ở bên để chở che.

Người ta vẫn nói: Có bình yên nào không xót xa. Và, có hạnh phúc nào mà không phải đánh đổi bằng những gian khó, vậy nên tôi vẫn tin những đớn đau hôm nay chỉ là sự thử thách cho những ngày tháng bình yên của An, Công và Như Ý về sau.

Hiện tại Nini An đang được điều trị tại khoa Phỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương (quận 5, TP.HCM).

 

Theo Toàn Nguyễn/Trí Thức Trẻ