Pháp luật quy định như thế nào về việc mua bán xyanua, và người bán xyanua cho Bích có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý hay không?

Tuệ Anh (TH) 09:08 10/07/2024

Theo thông tin từ báo Dân Trí, một trong những vấn đề đầu tiên được nhiều người hết sức quan tâm trong vụ Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi, ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đầu độc người thân bằng Xyanua, đó là Bích sở hữu lượng> xyanua, một chất kịch độc theo quy định của pháp luật, từ đâu? Pháp luật quy định như thế nào về việc mua bán xyanua, và người bán xyanua cho Bích có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý hay không?

Giải đáp vấn đề trên, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết theo Quyết định số 1971/1999/QĐ-BKHCNMT, xyanua được coi là một chất loại cực độc, có thể giết chết một người với một lượng chỉ khoảng 50 mg. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Hóa chất 2007 và Phụ lục III Nghị định số 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ, các hóa chất thuộc họ xyanua lại không được liệt kê vào danh mục hóa chất cấm. 

Chai nhựa chứa 1 lượng xyanua lớn được Bích giấu ở nghĩa trang gần nhà - Ảnh: Tuổi Trẻ

Do đó, cá nhân, tổ chức hoàn toàn có thể mua bán xyanua nhằm mục đích sản xuất, kinh doanh mà không bị pháp luật nghiêm cấm, nhưng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về chuyên môn sử dụng; cơ sở vật chất; giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh và phải đảm bảo an toàn hóa chất, an toàn phòng chống cháy nổ. Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 19 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, việc mua bán chất độc phải có phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc theo Điều 23 Luật Hóa chất 2007. 

Trường hợp tổ chức, cá nhân không tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của pháp luật về việc mua bán, kinh doanh hóa chất, cố tình thực hiện giao dịch trái quy định của pháp luật thì tùy thuộc tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà có thể bị áp dụng các chế tài xử lý khác nhau. 

Cụ thể, theo Điều 21 Nghị định số 71/2019/NĐ-CP của Chính phủ, người có hành vi mua bán chất độc mà phiếu kiểm soát không có xác nhận của các bên hoặc không có đầy đủ các thông tin theo quy định với mỗi phiếu kiểm soát sẽ bị xử phạt 100.000 - 300.000 đồng. Trường hợp mua bán hóa chất độc không có phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc, mức phạt là phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. 

Về chế tài hình sự, theo Điều 311 Bộ luật Hình sự 2015, người có hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất cháy, chất độc, thì bị xử lý về tội Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc với khung hình phạt cơ bản 1-5 năm. 

Trường hợp hành vi gây hậu quả làm chết người, tùy thuộc hậu quả và mức độ nghiêm trọng, người phạm tội có thể đối diện khung hình phạt cao nhất lên tới 15-20 năm tù hoặc tù chung thân. 

Đối với vụ án xảy ra tại Đồng Nai, luật sư Hùng nhìn nhận vấn đề đầu tiên và hết sức quan trọng mà cơ quan chức năng cần tập trung làm rõ là nguồn gốc của số xyanua trên từ đâu ra. Tổ chức, cá nhân bán xyanua cho Bích đã đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng nguy hiểm này hay chưa; và việc mua bán có tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật tại Luật Hóa chất 2007 cũng như Nghị định số 113/2017/NĐ-CP hay không. 

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ ý chí chủ quan của người bán hóa chất cho Bích là gì, có biết về mục đích phạm tội của nghi phạm hay không. Từ đó, các tình huống pháp lý có thể xảy ra như sau: 

Nếu tổ chức, cá nhân chưa đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng này, các giao dịch thực hiện trái pháp luật và dẫn đến hậu quả hết sức nghiêm trọng là 5 người tử vong, cơ quan điều tra sẽ xem xét dấu hiệu hình sự của tội Mua bán trái phép chất độc theo Điều 311 Bộ luật Hình sự 2015. 

Nếu tổ chức, cá nhân đó biết về mục đích phạm tội của Bích khi đặt mua lượng hóa chất trên mà vẫn cố tình tiếp tay cho nghi phạm, cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm về tội Giết người với vai trò đồng phạm; 

Nếu tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng này và hoàn toàn không biết hoặc bị lừa đối về mục đích phạm tội của Bích, trách nhiệm hình sự có thể được miễn đề cập. Tuy nhiên, quy trình mua bán sẽ được làm rõ để xác định quá trình thực hiện giao dịch đã tuân thủ các điều kiện của pháp luật hay chưa. 

Đối tượng Bích đã khai nhận tội ác - Ảnh: Người Lao Động

Như đã đưa tin trước đó, theo báo Người Lao Động, qua quá trình đấu tranh, Bích đã thừa nhận đầu độc bằng Xyanua làm chồng và 2 người cháu ruột tử vong. Riêng người cháu ruột thứ 3 là N.H.B.T. (18 tuổi) đã qua cơn nguy kịch, đã xuất viện. 

Công an đã thu giữ một số vật chứng liên quan. Trong đó, có một chai nhựa màu trắng, bên trong có chứa tinh thể, trọng lượng khoảng 0,7 kg giấu trong khuôn viên nghĩa trang gần nhà.

Theo thượng tá Võ Nhật Hồng Phúc, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Đồng Nai), sau khi tiếp nhận thông tin, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo phòng cùng các đơn vị nghiệp vụ, công an huyện triển khai đồng bộ các biện pháp khám nghiệm hiện trường. Bích đã chuẩn bị kịch bản đối phó cơ quan điều tra.

Với rất nhiều tài liệu, chứng cứ và sự quyết tâm của lực lượng tham gia phá án, Bích đã cúi đầu nhận tội và xin khai nhận để được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Quá trình điều tra, lực lượng chức năng còn xác định nghi phạm Bích có nợ nần tiền bạc bên ngoài. Sau cái chết của chồng và con, Bích được hưởng số tiền bảo hiểm khoảng 800 triệu đồng. Số tiền này Bích dùng trả nợ và tiêu xài cá nhân.

Tuệ Anh (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe