Hầu hết các gia đình thành phố phải thuê bảo mẫu để chăm sóc con cái và gia đình khi phần lớn thời gian của họ tập trung cho công việc. Tuy nhiên, tìm một người giúp việc ưng ý lại khó như lên trời.
Đầu năm nay, người giúp việc lâu năm của> gia đình chị Đỗ Hiền, sống tại Mỹ Đình, Hà Nội thông báo sẽ nghỉ việc khiến chị đứng ngồi không yên.
Chị Hiền chia sẻ: “Tôi đã tìm qua các trung tâm, hội nhóm, nhờ người quen giới thiệu,… khó khăn lắm mới gặp được một người gắn bó suốt 5 năm mà giờ cô ấy lại nghỉ”.
Không có người giúp việc, chị Hiền tất bật vừa đi làm, vừa chăm hai con nhỏ. Tối đến, chị tranh thủ “lăn lộn” khắp các diễn đàn để tìm người. Ban đầu, mức lương đưa ra là 6 triệu đồng/tháng, công việc chính là dọn nhà, đưa đón hai cháu nhỏ đi học. Mãi không tìm được người, chị Hiền tăng lên 7 triệu đồng/tháng cộng thưởng cuối năm vẫn không có ai hồi âm.
Chị Thủy, sống tại Nam Định thuê người giúp việc để chăm sóc bố cao tuổi bị lẫn với khung giờ làm việc từ 8 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau nhưng chị đã phải lần lượt cho nghỉ 3 người chỉ trong 1 tháng bởi những lý do rất “trời ơi đất hỡi”. Người thì ngủ xuyên đêm đến sáng mặc bố chị lọ mọ dậy đi vệ sinh, có hôm ngã nhào vì đứng không vững, người thì 10 giờ tối mới đến làm vì “bận” đi cà phê với họ hàng, người đòi tăng thù lao trong khi chưa phụ giúp được gì nhiều.
Nhu cầu tìm giúp việc ở các thành phố như Hà Nội, TP. HCM ngày càng tăng cao. Gia đình trẻ không có người thân hỗ trợ thì cần trông con nhỏ, đưa đón con đi học. Gia đình neo người cần thuê người chăm sóc cha mẹ già yếu, bệnh tật nằm liệt giường, điều trị dài ngày ở bệnh viện. Cùng đó, nhiều hộ kinh doanh thuê người phụ giúp trông coi, dọn dẹp tại cửa hàng, cửa hiệu. Nhân lực giúp việc thường là phụ nữ trung tuổi đi làm theo giờ hoặc theo buổi. Trung bình, thu nhập của một người giúp việc dao động từ 6-10 triệu đồng/tháng, tùy thời gian và công việc.
Nhìn chung mức thu nhập của nghề giúp việc ở Hà Nội hiện đang cao ngang ngửa thậm chí hơn cả cử nhân mới ra trường. Chưa kể họ còn có cơ hội nâng cao thu nhập, thậm chí nhiều gia đình còn lo chỗ ăn nghỉ song chuyện tìm người không hề dễ dàng.
Chị Hiền cho biết: “Với mức lương thấp, các cô giúp việc thường nhiều tuổi trong khi các cô nhanh nhẹn, khỏe mạnh lại yêu cầu mức lương rất cao”.
Không ít gia đình liên tục phải thay người giúp việc bởi khi sống chung những thói quen sinh hoạt, tính cách, lối sống quá khác biệt hoặc phát hiện sự không trung thực của người giúp việc. Cũng có khi người giúp việc tự ái vì cho rằng chủ nhà phân biệt đối xử nên xin nghỉ việc chỉ sau một hai ngày làm.
Nhiều người chia sẻ, làm việc nhà hay trông trẻ, nếu không tìm được người giúp việc có thể nhờ người thân, quen ở quê. Nghe có vẻ hợp lý nhưng trực tiếp trải nghiệm mới thấy những câu chuyện bi hài dở khóc, dở cười.
Khi không thể tìm được người để trông trẻ, ông bà ngoại lại ở xa không nhờ cậy được, chị Thư Kỳ, sống tại Hà Nội phải thuê dì ruột của mình giúp đỡ.
Tuy nhiên, điều chị Thư Kỳ lo ngại đã xảy ra khi người giúp việc và chị đã sớm gặp phải sự “vênh” nhau về cách chăm trẻ nhỏ và cả việc hỗ trợ công việc gia đình. Chưa kể, tâm lý là người nhà nên thoải mái góp ý, người dì đã không ít lần xen vào cuộc sống riêng tư của chị, khuyên chị phải sống thế này, cư xử thế kia. Không thể cãi lại hay cho nghỉ việc, chị Kỳ đành im lặng.
“Tìm giúp việc khó hơn tìm lao động cấp cao” là lời than thở thường gặp của nhiều gia đình trong hành trình tìm kiếm người giúp việc nhà. Cái khó không chỉ đến từ việc khan hiếm lao động hay mức lương khá cao mà còn từ tính thiếu ổn định, ít gắn bó với công việc. Khó này nối tiếp khó kia khiến chị Hiền, chị Thủy và nhiều gia đình khác vẫn đang trăn trở trên hành trình đi tìm giúp việc.