Hồng nhan đa truân, người phụ nữ với nhan sắc khiến người ta nghiêng ngả này lại có một cuộc sống u uất, đơn độc lúc cuối đời.
Người tình đặc biệt của cựu hoàng
Bà Lê Thị Phi Ánh (sinh năm 1925, quê Thừa Thiên - Huế) là một trong những người tình của Cựu hoàng Bảo Đại. Bà xuất thân trong một gia đình nề nếp, thuộc dòng họ danh giá và giàu có.
Cha Phi Ánh là cụ Lê Quang Sáu, từng làm quan lớn triều Nguyễn; bác là ông Lê Quang Thiết, phò mã của vua Thành Thái. Bà Ánh gọi bà Lê Thị Kim Lộc (bà ngoại của giáo sư Phan Lương Cầm) là cô ruột.
Năm 1949, được tin cựu hoàng Bảo Đại trở về nước lại lên ngay Đà Lạt, dược sĩ Phan Văn Giáo - thủ hiến Trung Kỳ đã xuống tận phi trường Liên Khương đón vua Bảo Đại và giới thiệu Phi Ánh cho ông. Bà Phi Ánh gặp Bảo Đại năm bà 24 tuổi.
Nhan sắc bà Phi Ánh thời trẻ.
Sinh thời, Phi Ánh là một tuyệt sắc giai nhân. Bà có vẻ đẹp đặc biệt so với phụ nữ Việt Nam thời đó vớidáng cao ráo, nước da trắng, mũi cao, mắt sáng, đường nét khuôn mặt khá Tây. Bà được đánh giá là người đẹp nhất trong bốn nàng "phi tần" của Cựu hoàng Bảo Đại. Sau khi ân ái với Phi Ánh, Bảo Đại đã tặng thưởng cho bà một số tiền lớn.
Tuy nhiên, chính tính cách và sự kiêu hãnh của bà mới là điều khiến Bảo Đại mê mệt. Theo một người thân trong gia đình bà Phi Ánh kể lại, bà tuyên bố với cựu hoàng "muốn làm thứ phi của hoàng đế, chứ không phải là gái làm tiền".
Thời điểm này, cựu hoàng Bảo Đại đã thoái vị, nên việc được Phi Ánh được phong làm thứ phi là bất khả. Tuy nhiên, câu nói mạnh mẽ ấy khiến Bảo Đại không những ông không phẫn nộ mà càng yêu quý Phi Ánh hơn.
Được tặng biệt thự nhưng cuộc đời đầy biến cố
Dù không được Thái hậu Từ Cung công nhận, bà Phi Ánh vẫn được Bảo Đại vô cùng coi trọng. Bà là người tình được sủng ái nhất. Vốn nổi tiếng rộng rãi, chi tiêu phóng khoáng, Bảo Đại đặc biệt dành tặng Phi Ánh ngôi biệt thự bằng đá vào năm 1950.
Biệt thự nằm trên đường René Robin, nay là đường Quang Trung, Phường 9, Thành phố Đà Lạt), được người Pháp xây dựng theo kiến trúc Tây Ban Nha duy nhất từ trước đến nay ở Đà Lạt. Vì vậy, biệt thự này đặc biệt hơn cả so với biệt thự của Nam Phương Hoàng hậu và "thứ phi" Mộng Điệp.
Theo Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt, biệt thự được xây dựng vào năm 1928, sau này được đặt tên gọi khác là biệt thự Phi Ánh. Ngoài những bức tượng, phù điêu, tại đây còn trưng bày một số bức tranh sơn dầu vẽ cựu hoàng Bảo Đại và bà Phi Ánh trên tầng lầu.
Chân dung vua Bảo Đại và "thứ phi" Phi Ánh khi còn trẻ được treo tại phòng khách biệt thự tại Đà Lạt.
Tình cảm của hai người càng thêm mặn mà khi bà Phi Ánh đã sinh cho vua Bảo Đại hai người con. Người con gái là Nguyễn Phước Phương Minh, sinh năm 1950 và qua đời tại Mỹ năm 2012; còn người con trai là Nguyễn Phước Bảo Ân, sinh năm 1951.
Trong một tài liệu có nói, sau ngày cựu hoàng sang Pháp, nhiều biến cố lớn đã đến với cuộc đời bà Phi Ánh. Sau khi bị tịch thu nhà cửa, ba mẹ con phải ở nhà thuê, rày đây mai đó.
Trong hoàn cảnh này, bà Phi Ánh đành phải bước thêm bước nữa cho đỡ cô đơn, vất vả nhưng lại không có hạnh phúc. Năm 1978, người chồng này sang Mỹ và có ý định bảo lãnh ba mẹ con bà Phi Ánh sang đoàn tụ. Tuy nhiên, khi này Bảo Ân đã có gia đình riêng, đã có con nên không đủ điều kiện ra đi. Bà Phi Ánh cũng mắc bệnh ung thư nên lần lữa việc di cư.
Bà qua đời trong cô đơn vào năm 1986. Các con của bà và Cựu hoàng Bảo Đại cũng có cuộc sống long đong, lận đận.