Anh Kiều Trường Lâm, tác giả của công trình "Chữ VN song song 4.0" đã nêu quan điểm của mình về những ý kiến trái chiều của độc giả.
Sau 27 năm nghiên cứu, bộ chữ "Việt Nam song song 4.0" kết hợp từ "Chữ Việt Nhanh" và "Ký Hiệu Dấu" của 2 tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình đã chính thức nhận được giấy chứng nhận bản quyền số 1850/2020/QTG từ Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo đó, "Chữ Việt Nam song song 4.0" chỉ sử dụng 26 chữ cái La-tinh, trong đó dùng 18 chữ cái La-tinh để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ Quốc ngữ. Hiện tại, "Chữ Việt Nam song song 4.0" tạm được gọi là "Chữ VN song song 4.0". Anh Kiều Trường Lâm cho biết, "Việt Nam" được viết tắt thành "VN" vì còn cần xin ý kiến Quốc hội về tên.
Mới đây, anh Lâm đã chính thức công bố toàn bộ nghiên cứu của mình đến độc giả trên toàn quốc. Tuy nhiên, bộ chữ cải tiến này đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Nhiều ý kiến tỏ ra phản đối gay gắt, không công nhận chữ cải tiến và cho rằng nó quá phức tạp, rắc rối.
Để biết rõ về công trình nghiên cứu CVNSS 4.0, xem tại đây.
Độc giả L.L bày tỏ: "Tốt nhất là nên giữ nguyên chữ Quốc Ngữ đi. Tôi không đồng ý với cải cách chữ viết. Hãy cứ viết đúng chữ của ông cha ta và học thêm Tiếng Anh để giao tiếp với người nước ngoài là ổn. Tại sao phải học thêm một thứ chữ mới trong khi chữ cũ đã quá ổn? Điều này có cần thiết không?".
Cùng chung ý kiến, độc giả N.T phản đối: "Tại sao không nghiên cứu cách để cho trẻ em từ bậc tiểu học vừa học tiếng Việt vừa nói giỏi tiếng Anh để có thể hội nhập quốc tế ấy? Việc viết chữ nhanh hơn có cần thiết không? Cá nhân tôi thấy chữ cải cách này thừa thãi, không chỉ vậy còn rắc rối, rườm rà. Chữ này có quá nhiều quy ước. Tôi là người lớn còn chẳng thể hiểu nổi thì trẻ nhỏ làm sao mà hiểu hết, chứ đừng nói đến việc áp dụng vào cuộc sống?".
"Chữ Quốc Ngữ đã có độ phổ biến toàn dân và là tài sản quý giá của ông cha ta để lại. Hãy cố mà giữ gìn nó, thay vì biến tấu nó theo hướng rối rắm và thừa thãi như này? Nếu bộ chữ được tạo ra chỉ để thay thế bộ gõ Telex thì tôi nói thẳng là không cần thiết", độc giả L.V. N cho hay.
Tác giả sẽ mời chuyên gia của Viện Ngôn ngữ học thẩm định nghiên cứu
Trước những tranh cãi của dư luận, anh Kiều Trương Lâm cho biết mình đã đọc qua các bình luận. "Khi công bố nghiên cứu, mình đã dự đoán được sẽ có những phản ứng cả tích cực và tiêu cực. Mình nghĩ để đánh giá CVNSS 4.0 một cách khách quan, độc giả cần học qua, ứng dụng thử để xem nó có hay hay không? Như vậy mới có thể đưa ra nhận xét đúng", anh Kiều Trường Lâm chia sẻ.
Tác giả CVNSS 4.0 cũng cho biết có rất nhiều độc giả từng chỉ trích nghiên cứu của anh. Nhưng sau khi được thuyết phục học thử chữ mới, họ đâm ra thích thú, rồi trở nên say mê. Có độc giả học đến đêm, học thuộc lòng công thức và thường xuyên nhắn tin trao đổi với anh bằng CVNSS 4.0.
"Mình đã thuyết phục được 5 người học thử. Họ giờ có thể viết thành thạo và đều rất ủng hộ CVNSS 4.0", anh Kiều Trường Lâm hào hứng kể. Trong số các độc giả này, có cả người lớn tuổi và trẻ tuổi. Một độc giả ở Hà Nội sau học thành thạo CVNSS 4.0 đã nhận xét như sau:
"Khi nhìn vào một đoạn văn bản được soạn thảo bằng CVNSS, theo cách chúng ta nhìn vào một bức ảnh ảo không gian ba chiều (một loại ảnh thời trẻ thơ chúng ta hay xem để thư giãn đầu óc) thì nhận thấy CVNSS 4.0 quả là đều đặn và đẹp mắt. Mỗi từ có số lượng chữ cái khá đều nhau, không có từ nào quá dài hoặc quá ngắn, cũng không bị các dấu làm cho rối mắt. Nói chung, CVN SS 4.0 có tính thẩm mỹ cao".
Anh Kiều Trường Lâm chia sẻ, trong thời gian sắp tới, dự định là khi hết dịch Covid-19 anh sẽ mời chuyên gia của Viện Ngôn ngữ học thẩm định nghiên cứu của mình. Theo anh Lâm, một công trình nghiên cứu cần có ý kiến từ chuyên gia, sau đó tự khắc nó sẽ có bước tiến.
Được biết trước đó, anh Kiều Trường Lâm đã được anh Bùi Đăng Bình - Cán bộ khoa học của Viện Ngôn ngữ học mời đến Viện để trao đổi thêm về công trình CVNSS 4.0 Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ tạm hoãn lại do dịch Covid-19.