Trước tình trạng mưa lũ kéo dài, nhiều gia đình phải tích trữ đồ ăn, nước uống để dùng dài ngày. Tuy nhiên, việc tích trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh dễ gây ra các mầm bệnh.
Các gia đình đều có thói quen bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh được cấp đông ở nhiệt độ thấp, song các loại rau củ hay thịt đều có hạn sử dụng nhất định. Do đó, khi cần lưu trữ lương thực nên ưu tiên >chọn thực phẩm theo các tiêu chí: có nhiều chất >dinh dưỡng, có khả năng no lâu và có thể bảo quản dễ dàng theo nhiều cách.
Theo hướng dẫn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), trái cây và rau phải được làm sạch, loại bỏ phần dập, héo và bảo quản trong tủ lạnh sạch ở nhiệt độ 40 độ F (tương đương 4,4 độ C) trở xuống.
Nên ăn trái cây để lạnh trong vòng 1 - 3 ngày để có được hương vị và độ tươi tối đa. Khoai tây đã nấu chín và các loại rau khác có thể được bảo quản an toàn trong tủ lạnh từ 3 - 4 ngày. Ở một số trường hợp đặc biệt như củ su su, cà rốt, súp lơ, thời gian bảo quản trong tủ lạnh có thể lâu hơn, lên tới 10 ngày.
Ngoài để trong ngăn mát, rau củ cũng có thể được bảo quản trong ngăn đông, thời hạn khoảng 3 tháng. Tuy nhiên không phải loại rau củ nào cũng áp dụng được cách làm này. Một số cái tên nằm trong danh sách phù hợp để cấp đông bao gồm: ngô, đậu Hà Lan, bông cải xanh, bông cải trắng, cà rốt, đậu xanh, bí, cần tây, rau thơm... Sau khi lấy ra từ ngăn đông, người dùng cần sử dụng hết ngay và không nên cho lại vào tủ lạnh.
Khi bảo quản rau củ trong tủ lạnh, tốt nhất người dùng cũng nên phân chia rõ ràng từng loại, đựng riêng trong các túi nilon, túi zip hay hộp nhựa phù hợp, an toàn để tránh nhiễm khuẩn chéo.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), trứng sống có thể được bảo quản an toàn từ 3 - 5 tuần kể từ khi cho vào tủ lạnh. Trứng luộc chín có thể được bảo quản trong một tuần. Người dùng nên bảo quản trứng và các sản phẩm từ sữa ở nhiệt độ 40 độ F hoặc thấp hơn một chút.
Các sản phẩm từ sữa có thời gian sử dụng khác nhau tùy thuộc vào loại sản phẩm. Sữa chua có thể bảo quản được từ 1 - 2 tuần; các loại phô mai mềm và phô mai tươi có thể bảo quản được trong một tuần; các loại phô mai cứng có thể bảo quản được từ 3 - 4 tuần sau khi mở gói.
Tương tự như rau củ, dù được bảo quản trong ngăn mát hay ngăn đông của tủ lạnh, thịt sống cũng có thời hạn nhất định để có hương vị và chất lượng tốt nhất.
Nếu bảo quản ở ngăn mát, nhiệt độ khoảng 2-4 độ C, thịt chỉ có thể để được tốt nhất trong 3-5 ngày.
Tuy nhiên nếu bảo quản trong ngăn đông ở mức -18 độ C, thời gian sẽ được kéo dài gấp nhiều lần: thịt lợn hoặc thịt bò sống 3-4 tháng; gà nguyên con 12 tháng; thịt nguội hoặc đã qua chế biến (ba chỉ xông khói, xúc xích) 1-2 tháng; cá nấu chín 4-6 tháng; thịt bò tươi sống hoặc đã nướng bảo quản 4-12 tháng.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ hướng dẫn thời gian bảo quản bánh mì và bánh cuộn nướng bán sẵn có thể bảo quản trong tủ lạnh từ 1 - 2 tuần và 3-7 ngày nếu bảo quản ở nhiệt độ phòng. Tuyệt đối không ăn bánh mì có dấu hiệu bị mốc.
Hạn sử dụng của món tráng miệng trong tủ lạnh khác nhau. Theo USDA, bánh quy mua ở cửa hàng hoặc bánh quy tự làm có thể để được tới 2 tháng trong tủ lạnh và các món tráng miệng ẩm như bánh pho mát có thể để được trong một tuần.
Các loại thực phẩm đóng hộp có hàm lượng axit cao như cà chua, trái cây ngâm chua có thể giữ được chất lượng tốt trong 12 - 18 tháng, còn thực phẩm đóng hộp không có hàm lượng axit cao như thịt, rau thì bảo quản được từ 2 - 5 năm. Tuy nhiên, các loại thực phẩm này sau khi mở nắp, thời hạn sử dụng sẽ bị rút ngắn tùy theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.
Bên cạnh các loại thực phẩm tươi sống như thịt, rau củ, nhiều gia đình cũng có thói quen lưu cữu, để lại thức ăn đã chín trong tủ lạnh. Thời gian lý tưởng nhất chỉ nên để thực phẩm đã chín trong tủ lạnh, nhất là thực phẩm đã qua sử dụng, còn thừa trong bữa ăn, khoảng 1-3 ngày. Đặc biệt nếu phát hiện thực phẩm có các dấu hiệu như mùi lạ, đổi màu, tốt nhất nên bỏ đi ngay.
Khi bảo quản trong tủ lạnh, thực phẩm phải được để trong hộp kín hoặc túi có khóa kéo. Đặt ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ thích hợp (4°C hoặc thấp hơn) và tủ đông ở mức -18 độ C để tránh làm hỏng thực phẩm. Thực phẩm sau khi giã đông cần được chế biến ngay, không cấp đông lại lần nữa.
Các vùng khác nhau trong tủ lạnh nên được sử dụng cho các loại thực phẩm khác nhau, không để chồng chéo thực phẩm lên nhau. Thịt và các sản phẩm từ sữa nên được bảo quản ở kệ trên cùng, trong khi nông sản và thực phẩm nấu chín nên để ở kệ thấp hơn.
Để đảm bảo an toàn khi ăn thực phẩm đã nấu chín, cần bảo quản thực phẩm đã nấu chín trong tủ lạnh trong vòng hai giờ sau khi nấu và tiêu thụ trong thời gian an toàn nêu trên.
Dán nhãn ghi tên thực phẩm và ngày mua hoặc ngày nấu trực tiếp lên hộp hoặc túi và đảm bảo loại bỏ mọi thức ăn chưa sử dụng khỏi tủ lạnh nếu quá thời hạn sử dụng an toàn.