Việc chồng/vợ cấm đoán, ngăn cản vợ/chồng về thăm, gặp gỡ người thân, bạn bè... không phải là hiếm gặp trong đời sống.
Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa sẽ đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, kỳ nghỉ năm nay người lao động có thể được nghỉ tối đa 7 ngày. Đây là khoảng thời gian không ngắn, mặc khác Tết cũng là thời điểm để mọi người trong gia đình sum vầy sau 1 năm đi xa làm việc. Chính vì vậy tất cả mọi người đều rất mong chờ đến kỳ nghỉ này, đặc biệt là những người đã có gia đình thì đây là thời điểm mà họ có thời gian để về thăm người thân, bạn bè...
Tuy nhiên những ngày qua, trên MXH xuất hiện thông tin về việc "Chồng không cho vợ về nhà ngoại ăn Tết sẽ bị xử phạt" khiến nhiều người không khỏi băn khoăn bởi đây là công việc nội bộ gia đình. Vậy thực hư thông tin trên là như thế nào?
Không chỉ dịp lễ, Tết, mà ngay trong cuộc sống thường nhật, về thăm bố mẹ đẻ là nhu cầu chính đáng của mỗi người phụ nữ đã kết hôn. Tuy nhiên không phải người phụ nữ nào cũng có thể thực hiện mong muốn này vì nhiều lý do.
Nếu như trong trường hợp, người phụ nữ bị ngăn cấm thì tình huống này đã vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an ninh, trật tự, phòng, chống bạo lực gia đình.
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 55 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Luật Hôn nhân gia đình, quy định đối với những hành vi dưới đây sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó...
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp chồng không cho vợ về quê ngoại ăn Tết đều bị phạt. Quy định trên sẽ chỉ áp dụng nếu việc cấm cản không cho vợ về quê ngoại gặp gỡ người thân, bạn bè nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý với vợ.
Như vậy, việc về quê ngoại ăn Tết là rất chính đáng, do đó nếu cấm đoán vợ, gây áp lực về tâm lý với vợ khi vợ muốn về quê ngoại ăn Tết, người chồng sẽ bị xử phạt.
Ngược lại, nếu vợ cấm đoán chồng gặp gỡ người thân, bạn bè cũng với mục đích gây áp lực tâm lý đến người chồng thì cũng sẽ chịu mức phạt tương tự.
Ngoài ra, nếu người chồng hoặc vợ có hành vi ngược đãi, gây áp lực cho đối phương cũng sẽ bị phạt cao hơn.
Cụ thể, đối với các hành vi vi phạm hành chính lĩnh vực hôn nhân gia đình sẽ bị phạt theo quy định mới tại Mục 4 Nghị định 144/2021.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
+ Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
+ Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;
+ Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ…
- Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5 - 1 triệu đồng đối với một trong những hành vi:
+ Không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc;
+ Không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh.
Quyền được làm việc là quyền chính đáng của mỗi người, không ai có quyền ngăn cản. Theo Nghị định 125/2021/NĐ-CP về xử phạt VPHC lĩnh vực bình đẳng giới, chồng không cho vợ đi làm vì lý do giới tính có thể bị xử phạt:
Cụ thể, phạt tiền từ từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi:
- Cản trở hoặc không cho thành viên trong gia đình thực hiện các hoạt động tạo ra thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì lý do giới tính.
- Đối xử bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính.
Như vậy, nếu người chồng không cho vợ đi làm vì lý do giới tính thì có thể bị phạt tới 5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng đối với hành vi:
- Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở thành viên trong gia đình có điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính;
- Áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên trong gia đình thuộc một giới nhất định.