Tính đến tối 8/10, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 1 người mất tích, 4 người bị thương và hơn 1.100 nhà dân ngập lụt do mưa lớn kéo dài liên tục.
Cụ thể người bị mất tích là anh Dương Phước Hải (SN 1989, ở tại Tổ dân phố Khánh Mỹ, thị trấn Phong Điền). Anh Hải bị mất tích tại Hồ Bàu Sen vào 21h ngày 7/10. Hiện chính quyền địa phương vẫn đang huy động lực lượng để tìm kiếm.
4 người bị thương đều trú tại huyện Phong Điền, trong đó có 1 người bị rắn cắn, 3 người bị trượt chân ngã trong quá trình kê kích, che chắn tài sản tránh lũ. Cả 4 trường hợp này đang được điều trị tại Bệnh viên Trung ương Huế cơ sở 2.
Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, mưa lớn cũng làm 1.100 nhà dân ở các địa phương bị ngập, trong đó huyện Phong Điền 1.000 nhà thuộc các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Thu; TP Huế: 100 nhà tại phường A Tây. Mức nước ngập từ 0.3 m đến 0.8 m. Có 1 nhà dân bị sập.
Huyện Phong Điền đã tổ chức di dời 296 hộ, 857 khẩu ở các xã Phong Mỹ, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Thu, thị trấn Phong Điền; Huyện A Lưới đã tổ chức di dời 26 hộ dân ở các xã Hồng Thượng, Đông Sơn, A Ngo, Phú Vinh. Hệ thống nước sinh hoạt bị gián đoạn trên toàn huyện; mưa lớn cũng đã làm ngập úng hàng chục hecta hoa màu, rau màu tại huyện Phú Vang, Quảng Điền.
Mưa lớn còn làm nhiều tuyến đường ở huyện Phong Điền bị ngập và chia cắt nhiều đoạn. Cụ thể QL 49 B đoạn qua địa phận xã Phong Hòa, Phong Bình ngập nhiều đoạn, đoạn sâu nhất 0,8-1m, đoạn qua các xã Điền Hương đến Điền Lộc bị ngập nhiều đoạn, chỗ sâu nhất 0,4m.
Đường WB từ xã Phong An đến xã Phong Xuân, đoạn từ Vĩnh Hương - Bến Củi ngập sâu 2 m, dài khoảng 100m; tỉnh lộ 16 từ thị trấn Phong Điền đi Phong Mỹ, đoạn tổ dân phố Vĩnh Nguyên ngập nhiều đoạn, chỗ sâu nhất 1m; tỉnh lộ 4 Phong Bình đi Phong Chương ngập nhiều đoạn, chỗ sâu nhất 0,7-1m; một số tuyến đường liên thôn tại Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, Phong Sơn, thị trấn Phong Điền, Phong Xuân, Phong Hiền, Phong Thu ngập từ 0,3 - 1,5m.
Hiện Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở GTVT tỉnh đã triển khai phương án, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; nghiêm cấm các phương tiện giao thông lưu thông tại các tuyến đường bị ngập lụt.
Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản, các địa phương hướng dẫn người dân khẩn trương di chuyển các lồng, bè nuôi thủy sản đến nơi an toàn; thu hoạch sớm diện tích thủy sản để giảm mật độ tránh rủi ro thiệt hại do mưa lũ; gia cố đảm bảo an toàn cho các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven biển, ven sông, suối; có phương án bảo vệ, phòng tránh các thiệt hại có thể xảy ra cho khu nuôi thủy sản; hướng dẫn cho các phương tiện, tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn.