Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi liên quan đến vụ việc của cháu bé 3 tuổi hóc hạt bí tử vong.
Theo thông tin từ báo Người Lao Động, vào ngày 28/1, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi.
Công văn nêu ngày 27/1, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đăng tải bài viết “Cháu bé nghi hóc hạt bí, người nhà tố bệnh viện tắc trách khiến cháu tử vong”, nội dung phản ánh cháu T.Đ.L. (3 tuổi, ở xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi) đến Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi cấp cứu ngày 26-1 trong tình trạng ho, khó thở (nghi mắc hạt bí) và tử vong ngày 27-1 nghi do tắc trách và sai sót chuyên môn của ca trực.
Bên cạnh đó, sau khi nghiên cứu, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Bệnh viện Sản- Nhi Quảng Ngãi tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để xác minh, làm rõ nội dung phản ánh trên.
Khẩn trương chỉ đạo thực hiện kiểm thảo tử vong, xác minh nguyên nhân tử vong của cháu T.Đ.L. Xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tập thể có vi phạm (nếu có).
Công khai kết quả xác minh và nguyên nhân tử vong của cháu T.Đ.L. trên phương tiện thông tin đại chúng; có văn bản trả lời trực tiếp người nhà người bệnh và báo cáo kết quả về Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế trước ngày 31-1 để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ.
Trước đó, theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cho biết Bệnh viện Sản – Nhi đã có báo cáo về trường hợp bệnh nhi TĐL (3 tuổi, ngụ TP Quảng Ngãi) tử vong. Báo cáo cho biết, bệnh nhi L vào viện lúc 21 giờ 9 phút ngày 26-1 (mùng 5 Tết), được chẩn đoán viêm thanh khí phế quản, theo dõi dị vật đường thở. Tại đây, bệnh nhi được tiếp nhận khám cấp cứu, khai thác đầy đủ tiền sử bệnh, thực hiện các xét nghiệm. Nhân viên y tế tua trực hướng dẫn, giải thích rõ ràng, cụ thể cho người nhà bệnh nhi.
Bệnh nhi L được bác sĩ thăm khám đầy đủ, hội chẩn giữa bác sĩ hô hấp và bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng cho khám tuần hoàn, hô hấp, tiêu hoá, thần kinh; thực hiện cận lâm sàng đầy đủ: X-Quang phổi, xét nghiệm công thức máu, soi tai mũi họng; hội chẩn các bác sĩ Tai Mũi Họng, bác sĩ khoa Cấp cứu và bác sĩ Khoa nhi hô hấp thống nhất chẩn đoán bệnh nhi bị viêm thanh khí phế quản cấp, chẩn đoán phân biệt dị vật đường thở.
Sau đó, bệnh nhi được chăm sóc, theo dõi toàn trạng theo đúng y lệnh của bác sĩ: mạch, nhiệt độ, nhịp thở liên tục theo dõi trên monitor SPO2 97%-98% và hướng dẫn ủ ẩm tích cực.
Lúc 23 giờ 15 phút ngày 26-1, điều dưỡng Khoa Nhi hô hấp đến chăm sóc nhưng không có bệnh nhi tại buồng bệnh (người nhà tự ý đưa bệnh nhân về nhà) và báo cáo bác sĩ trực.
Đến khoảng 4 giờ sáng ngày 27-1, người nhà đưa bệnh nhi đến Khoa Cấp cứu của bệnh viện, sau đó được nhân viên chuyển thẳng đến Khoa hồi sức tích cực – Chống độc với tình trạng mạnh cổ không bắt được, tím tái, lồng ngực không di động, đồng tử giãn, bụng chướng, ngưng thở ngưng tim ngoại viện không rõ nguyên nhân.
Bệnh nhi được bác sĩ, điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc tiến hành hồi sức tích cực nhưng tình trạng hô hấp tuần hoàn không còn.
Sau đó, nhân viên và lãnh đạo bệnh viện đã gặp gỡ, giải thích tình trạng bệnh của trẻ và động viên người nhà trong quá trình xảy ra sự việc. Người nhà của bệnh nhi không đồng ý mổ tử thi và xin đưa trẻ về nhà.
Hội đồng chuyên môn kết luận, bệnh nhi L được bác sĩ, điều dưỡng ca trực tiếp đón, thăm khám, chẩn đoán, chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng đầy đủ, kịp thời và đúng chuyên môn kĩ thuật.
Các nhân viên phối hợp xử lý, hồi sức tích cực cho trẻ nhưng bệnh nhi bỏ về, không ở bệnh viện nên không theo dõi, can thiệp kịp thời. Hội đồng chuyên môn cho rằng bệnh nhi L tử vong ngoại viện không rõ nguyên nhân, cần phải mổ tử thi để xác định.