Lên 3 tuổi, chị Yến thấy con hiếu động, nghịch ngợm hơn so với những đứa trẻ khác. 5 tuổi bé sợ đi học và chỉ thích làm theo ý của mình.
Suốt 4 năm nay, gia đình chị Đào Thị Hải Yến (42 tuổi – Kim Động, Hưng Yên) lúc nào cũng phải có một người lớn trong nhà để trông bé Ngô Trung Hải (7 tuổi) do mắc chứng tăng động, liên tục chạy nhảy và nghịch ngợm khắp nơi.
Tưởng con nghịch là thông minh, không ngờ là do bệnh
Chị Yến chia sẻ, ngày bé lên 3 tuổi thấy con hiếu động, nghịch ngợm hơn những đứa cùng trang lứa, gia đình nghĩ có thể là con thông minh nên mẹ cảm thấy bình thường, mãi đến khi lên 5 tuổi bé leo trèo, chạy nhảy cả ngày không biết mệt. Đến nhà hàng xóm chơi là thấy gì cũng sờ mó, không nghe theo lời người lớn, chỉ làm theo những gì mình thích.
Khi gia đình cho bé đi lớp, bé luôn luôn gào khóc, sợ hãi, mẹ bé phải dùng mọi hình thức cưỡng chế bé mới đến lớp. Thế nhưng, ở lớp học bé trở nên thu mình, thích chơi riêng và không hợp tác cùng giáo viên. Đến giờ tan học, bé phải chờ cả trường về hết không còn một bóng người mới chịu theo mẹ đi về nhà.
Khi Hải bắt đầu vào lớp 1, gia đình thường xuyên được cô giáo chủ nhiệm phàn nàn nhiều lần về việc con hay mất tập trung, nghịch ngợm mọi lúc mọi nơi. Lúc này, chị Yến mới đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại bệnh viện, các bác sĩ kết luận cháu mắc chứng tăng động, giảm chú ý.
Chia sẻ với chúng tôi, người mẹ này không giấu nổi cảm xúc khi nói về hội chứng con mình mắc phải. Trước đó chị và gia đình chưa bao giờ nghe đến chứng >tăng động giảm chú ý nên không hề có kiến thức để chăm sóc cũng như phương pháp hỗ trợ cho con. Chỉ đến khi đến bệnh viện được các bác sĩ tư vấn và hướng dẫn thì anh chị mới biết và tìm cách đối phó với chứng “hiếu động” mà con mắc phải.
Chị Yến kể: Trong nhà luôn phải có một người lớn ở nhà để "để mắt" đến con vì bé rất nghịch ngợm.
Chị Yến kể: “Ngày con 3 tuổi, nhiều người thấy cháu nghịch hơn những đứa trẻ cùng tuổi, họ bảo con nhà tôi bị tăng động nhưng khi ấy vì con còn bé quá nên tôi chưa muốn đưa con đi khám, một phần tôi cũng muốn quan sát thêm biểu hiện của con.
Biểu hiện của bé bị tăng động là bé rất hiếu động, không ngồi im được 1, 2 phút mà chân lúc nào cũng phải động đậy. Bé nhà tôi rất hay chạy đi khắp xóm, nhiều khi đến nhà người ta thấy cái gì cũng sờ cũng nghịch nên họ không thích, mỗi lần như vậy Hải cười rất thích thú. Song, nhìn thấy ánh mắt của người ngoài không ưa, thậm chí ghét bỏ con mình vì tội nghịch ngợm, tôi cũng buồn lắm!”.
Dấu hiệu chính xác cho thấy trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý
Theo lời chị Yến, bé Hải nhà chị năm nay 7 tuổi, dễ kích động tấn công người khác hoặc tranh giành thứ gì đó không được là cáu gắt, đã muốn thứ gì là đòi bằng được, nếu chưa đạt được yêu cầu là nhắc đi nhắc lại đến khi nào được mới thôi. Chưa hết, nếu việc gì bé không thích, bé sẽ phản kháng một cách quyết liệt, hoặc giả vờ không nghe thấy, không hợp tác.
“Như sáng hôm nay lên Bệnh viện Nhi Trung Ương để sinh hoạt câu lạc bộ các gia đình có con mắc chứng tăng động, Hải rất thích đi. Nhưng sáng ra trời mưa và lạnh nên tôi bảo cháu mặc quần dài và áo ấm thì cháu nhất quyết không chịu, cuối cùng bằng mọi cách ép và dỗ rằng “mẹ đem theo một bộ quần áo phông lên trên bệnh viện sẽ thay” cháu mới đồng ý để cho mẹ mặc cho áo khoác ấm và quần dài từ nhà” – Chị Yến cho biết thêm.
Bé Hải mắc chứng tăng động giảm chú ý, rất nhiều người cho rằng do chị nuông chiều con bằng cách cho dùng nhiều Smartphone. Tuy nhiên, chị Yến khẳng định: “Nguyên nhân thì tôi cũng không biết do đâu, tôi đưa con đi khám thì chỉ thấy bác sĩ nói cháu mắc chứng tăng động giảm chú ý. Bé nhà tôi cũng thích xem tivi, xem hoạt hình, nhà không có máy tính nên cháu không được dùng, chỉ có đôi lúc nhốt bé trong nhà thì bố mẹ có mở điện thoại cho con xem. Gia đình không lạm dụng công nghệ cho các cháu nên chắc chắn không phải ảnh hưởng từ thiết bị điện tử”.
Chị Yến cũng thú nhận, do bố mẹ không có nhiều hiểu biết về chứng tăng động nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp xúc và nói chuyện cũng như giúp con phát triển bình thường.
Chia sẻ thêm về hướng điều trị bệnh, chị Yến cho biết: “Bác sĩ có nói bệnh này phải điều trị lâu dài từ 5-10 năm, vừa uống thuốc vừa bổ sung ăn những loại thức ăn tốt cho não bộ, nhất là các thức ăn đồ uống giàu sắt.
Bên cạnh đó cha mẹ cũng cần làm tốt các phương pháp tâm lý nhằm hỗ trợ con phát triển trí não và tư duy. Tính đến thời điểm hiện tại bé đã điều trị được 2 năm, năm 2017 bé khám và điều trị 2 liệu trình, năm nay thì nhiều hơn chút là 3 lần lên thăm khám, các bác sĩ có báo kết quả là >sức khỏe của con có tiến triển tích cực”.
Theo Ths Thành Ngọc Minh, trưởng khoa Tâm Thần, Bệnh viện Nhi TW, trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý có một số biểu hiện đặc trưng như: Thường không có khả năng chú ý cao tới chi tiết hoặc mắc lỗi cẩu thả trong học tập ở trường, công việc hay các hoạt động khác; không tuân theo các chỉ dẫn, không chú ý lắng nghe khi thực hiện các nhiệm vụ hay các hoạt động có tính tổ chức, thường làm mất những đồ dùng cần thiết trong công việc, học tập... Các biểu hiện giữa bé trai và bé gái cũng có thể khác nhau. Các bé trai thường biểu hiện hiếu động quá mức trong khi các bé gái có xu hướng kém chú ý.
Tuy gây ra những khó khăn trong học tập, giao tiếp xã hội của trẻ song theo các bác sĩ chuyên khoa, trẻ mắc tăng động giảm chú ý vẫn có khả năng phát triển và hòa nhập cộng đồng nếu được phát hiện và can thiệp sớm.
Nếu một bé có các dấu hiệu trên kéo dài quá 6 tháng và xảy ra ở nhà cũng như ở trường, thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa để có hướng điều trị kịp thời.
“Thường trẻ bị mắc bệnh này chỉ có thể dùng thuốc kết hợp với ăn những chất bổ sung cho não bộ. Và đòi hỏi cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm con hơn” – Bác sĩ Minh nhấn mạnh.