Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thẩm phán Huỳnh Ngọc Thiện (chủ tọa phiên tòa phúc thẩm tuyên Nguyễn Khắc Thủy án treo) sẽ bị xử lý kỷ luật theo đúng các quy định của ngành.
Chiều 1/6, Hội đồng thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM đã có quyết định giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử án 18 tháng tù treo cho ông Nguyễn Khắc Thủy (77 tuổi), giữ nguyên bản án của TAND TP Vũng Tàu, phạt ông này 3 năm tù về tội "Dâm ô trẻ em".
Theo quyết định giám đốc thẩm, HĐXX cấp phúc thẩm chưa thẩm tra, đánh giá toàn bộ chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, vội vàng kết luận không đủ căn cứ kết tội Nguyễn Khắc Thủy có hành vi dâm ô đối với 1 trường hợp trong vụ án là chưa khách quan.
Ngoài ra, việc cấp phúc thẩm quyết định cho Nguyễn Khắc Thủy hưởng án treo là áp dụng không đúng quy định của Nghị quyết 01/2013 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao khi xem xét, quyết định kết án cho người bị xử phạt được hưởng án treo.
Liên quan đến việc này, trao đổi với PV vào sáng 2/6, ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, thẩm phán Huỳnh Ngọc Thiện, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm tuyên Nguyễn Khắc Thủy án treo đang bị Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đình chỉ nhiệm vụ xét xử để kiểm điểm.
Việc xử lý trách nhiệm của thẩm phán Thiện sau khi bản án phúc thẩm đối với Nguyễn Khắc Thủy bị hủy sẽ được thực hiện theo quyết định 120 năm 2017 của Chánh án tòa án nhân dân tối cao, về quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân.
Cụ thể, ngoài bị kiểm điểm trước cơ quan, với việc ra bản án xử phạt 1 bị cáo hình phạt tù cho hưởng án treo không đúng quy định pháp luật, gây dư luận xấu, thẩm phán này có thể bị xử lý bằng việc bố trí làm công việc khác, hoặc xử lý bằng hình thức chưa hay không xem xét đề nghị bổ nhiệm lại thẩm phán khi kết thúc nhiệm kỳ.
"Tất yếu sẽ có việc xem xét xử lý kỷ luật với thẩm phán này", ông Tuệ nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho hay, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, đối với Hội đồng xét xử phúc thẩm bao gồm 3 thẩm phán và nếu cần thiết sẽ có thêm 2 Hội thẩm nhân dân.
Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm có quyền không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm hoặc sửa bản án sơ thẩm, hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại...
Trong phiên xử phúc thẩm đối với Nguyễn Khắc Thủy, HĐXX gồm có 3 thẩm phán và quyết định của Hội đồng xét xử dựa trên nguyên tắc biểu quyết đa số. Thẩm phán Huỳnh Ngọc Thiện được giao chủ tọa phiên tòa.
Về việc xử lý đối với chủ tọa phiên tòa và HĐXX sau khi bản án phúc thẩm tuyên Nguyễn Khắc Thủy 18 tháng tù treo bị hủy, luật sư Quynh cho rằng, cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ các lỗi chủ quan của thẩm phán, từ đó căn cứ vào quy định của ngành để xử lý phù hợp.
Luật sư Đặng Văn Cường (Hà Nội) cho biết thêm, thực tế có rất nhiều bản án sơ thẩm, phúc thẩm bị hủy do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ lỗi chủ quan của HĐXX, chủ tọa phiên tòa đến các lỗi khách quan, tiêu cực...
Với việc bản án phúc thẩm đối với Nguyễn Khắc Thủy bị hủy, nếu cơ quan chức năng xác định chỉ ở lỗi chủ quan của thẩm phán thì sẽ căn cứ vào quy định của ngành để xem xét trách nhiệm. Nếu có tiêu cực, cần tiến hành xử lý theo đúng pháp luật.