Nói về nỗi lo kinh tế khi nuôi thêm một đứa trẻ, người mẹ khẳng định vợ chồng mình tuy không giàu có nhưng sẵn sàng bớt ăn, bớt mặc để con không bị thiếu thốn. 'Như dịp Tết này nè, thay vì đi mua xe, sắm tivi thì mình không sắm nữa, dành số tiền đó lo cho Pang', chị Phương bày tỏ.
Những ngày gần đây, câu chuyện về em bé người dân tộc không thể đi lại, ngồi chơi trên nền đất thu hút sự chú ý của dư luận. Sau khi thông tin về em được chia sẻ lên mạng xã hội, một cặp vợ chồng ở TP.HCM đã đến tận nơi nhận nuôi rồi đưa bé đi chữa trị khiến ai cũng cảm động rơi nước mắt.
Cô bé tên Pang, 6 tuổi, là người dân tộc Mường. Pang có 3 chị gái, sống cùng ông bà tại bản Xa Lùng, xã Mường Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Bố em đã mất được 1 năm, mẹ bị bệnh tâm thần nên không thể chăm sóc chu đáo cho bé. Cặp vợ chồng ở TPHCM nhận cưu mang Pang là chị Nguyễn Thị Ngọc Phương (31 tuổi) và anh Huỳnh Quốc Tín (34 tuổi).
Tối mấy hôm trước, chị Phương cảm thấy rất xót xa khi nhìn thấy clip Pang trần truồng, ngồi trên đống cát được đăng tải trên khắp các trang mạng xã hội. Trong lòng chị đã có sự thôi thúc mãnh liệt phải làm điều gì đó để giúp đỡ cô bé này. Sau khi liên hệ với tài xế chụp bức ảnh, vợ chồng chị bay từ TPHCM ra Hà Nội và nhờ anh này dẫn đến nơi Pang ở. Tất cả mọi thứ được quyết định nhanh gọn trong một buổi tối vì chị Phương muốn đi thật lẹ, sợ bé gái gặp chuyện không may nếu mình còn chần chừ.
Lúc đầu, chị Phương nói với chồng lên thăm rồi trợ cấp cho bé. Dù lòng muốn nhận nuôi Pang, chị cũng không dám nói vì sợ anh không đồng ý. Lý do vì chị đã có con, lại đang mang bầu được 2 tháng. Tuy nhiên khi lên đến Mường Lát, chứng kiến cô bé lê lết đôi chân trên cát tự chơi một mình, cả hai ngay lập tức muốn cưu mang em. May mắn là gia đình và chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để vợ chồng chị được đưa Pang về TPHCM nhanh nhất.
Mẹ ruột Pang là bệnh nhân tâm thần, lúc tỉnh lúc mê. "Nếu như có hai anh chị này nhận Pang về chữa trị thì rất vui, tại vì lúc tôi lên cơn thì con ở trần ở truồng tôi không biết, khi mà tôi tỉnh lại, thấy con như vậy thì mới mặc đồ cho. Mà nhìn đôi chân của con như vậy tôi cũng không biết giúp gì", mẹ ruột em bé nghẹn ngào nói.
Khi được hỏi có lo lắng gì về chuyện nuôi Pang hay không, chị Phương nói chỉ muốn mang đến cuộc sống mới tốt hơn cho cô bé tội nghiệp. Ở Mường Lát không ai chăm sóc, mẹ em thì lúc tỉnh lúc mê nên không thể lo cho em được. "Chắc chắn là mình rất thương Pang rồi thì suy nghĩ làm gì cho mệt", chị Phương tâm sự.
Nói về nỗi lo kinh tế khi nuôi thêm một đứa trẻ, chị Phương khẳng định vợ chồng mình tuy không giàu có nhưng sẵn sàng bớt ăn, bớt mặc để con không bị thiếu thốn. "Như dịp Tết này nè, thay vì đi mua xe, sắm tivi thì mình không sắm nữa, dành số tiền đó lo cho Pang. Mình chỉ nhịn lại một phần của mình chứ có mất mát gì đâu", chị Phương bày tỏ.
Dự định hiện tại của chị Phương là chăm sóc và chữa trị đôi chân cho Pang rồi đưa em trở lại Mường Lát gặp gia đình. Nếu em bé vẫn muốn sống cùng chị, gia đình em đồng ý thì mới tiến hành nhận nuôi. Vợ chồng chị không hề muốn tách Pang ra khỏi mẹ vì chị hiểu tình mẫu tử thiêng liêng đến mức nào. "Lúc đưa con cho mình, cặp mắt của người mẹ đó đầy tình yêu dành cho Pang. Mình phải nghĩ về tình mẫu tử của người ta nữa, chứ đâu phải mình thích là mình đem con người ta đi luôn được", chị tâm sự.
Không chỉ đưa Pang đi khám, chữa trị ở nhiều bệnh viện, vợ chồng chị Phương còn thường xuyên dạy Pang giao tiếp, nói 'dạ, bye bye, bà bà, ba'…, tập ăn cơm và vẫy tay chào. Hiện tại, tình hình >sức khỏe và tâm lý của Pang đã khá lên nhiều. Lúc đầu, cô bé tỏ ra nhút nhát và rất ít cười. Nhưng giờ lại vui đùa suốt ngày và hòa nhập tốt với các thành viên trong gia đình.
Khi quyết định bảo bọc Pang, vợ chồng anh chị không suy nghĩ quá sâu xa rằng sẽ tốn kém ra sao, vất vả thế nào, thậm chí còn phải đối mặt với những lời đồn ác ý và sự phản đối của họ hàng. Tất cả chỉ xuất phát từ một tình yêu thương không toan tính, không vụ lợi.