Đó là lời trấn an nhóm phóng viên chúng tôi nhiều lần được nghe trong quá trình thâm nhập điều tra, phần nào giải thích nhờ đâu mà các tụ điểm thác loạn có thể trụ vững suốt thời gian dài

13:41 26/04/2018

Hơn 1 tháng thâm nhập điều tra, phóng viên Báo Người Lao Động phát hiện để có thể kinh doanh lĩnh vực nhạy cảm này, ít nhiều các ông chủ phải là dân có "máu mặt" và quen biết rộng, đặc biệt là với một vài người có trách nhiệm quản lý.

Bị phạt thì đổi chủ, đổi địa bàn

Trên đường Trần Quang Khải, phường Tân Định (quận 1, TP HCM), chỉ một đoạn ngắn nhưng có nhiều nhà hàng hoạt động với hình thức cho khách thoải mái thác loạn, tiếp viên nữ sẵn sàng chiều chuộng mọi nhu cầu. Theo điều tra của phóng viên, ông chủ các nhà hàng này có tên Lê Văn Hải, tức Hải "nổ". Người này vào năm 2012 có 2 tụ điểm trên đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh, sẵn sàng tạo điều kiện cho khách thoải mái từ "A" đến "Z" tại chỗ. 

Tuy nhiên, năm 2014, trước sự ra quân kiểm tra mạnh mẽ của công an quận, Hải "nổ" chuyển sang địa bàn mới trên đường Trần Quang Khải từ giữa năm 2017.

Trong vai người muốn đầu tư kinh doanh mô hình này, qua một người quen giới thiệu, chúng tôi được diện kiến Hải "nổ". Ông ta cho biết để kinh doanh và tồn tại được thì phải "biết trước biết sau". "Mày hoạt động ở phường này thì mày phải "chào sân" ở phường này. Tao nói thật, trước kia tao hoạt động ở đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh nhưng giờ về đây biết cán bộ nào phụ trách nên mới sống được" - Hải "nổ" khoe.

Hải "nổ" nói chúng tôi cứ chuẩn bị tiền và thuê mặt bằng, sau này ông ta sẽ kêu gọi những người đang công tác trong cơ quan quản lý nhà nước tham gia góp vốn. Tiền lãi phát sinh xem như phần "hỗ trợ" tạo điều kiện kinh doanh. "Mày theo tao chỉ bảo làm ăn là có thể tồn tại" - Hải "nổ" nói chắc nịch.

Tụ điểm D.max, quận 1, TP HCM nơi được cho là thiên đường của thác loạn. (Ảnh cắt từ clip điều tra)

Trong khi đó, nhà hàng D.max (quận 1) đang được một người có tên Phan Văn Khỏe đại diện đứng tên. Qua những lần thâm nhập vào đây, chúng tôi được biết ông Khỏe có nhiệm vụ xử lý các mối quan hệ khi nhà hàng gặp sự cố, "điều đào" để tạo sự mới mẻ đối với khách.

Còn tại Sunflower Nguyễn Trãi, dù pháp lý do ông V.Q.H (49 tuổi) đứng tên nhưng mọi hoạt động về quản lý lẫn đối ngoại đều do người có tên Trần Quốc Đạt điều hành.

Trong thời gian tìm hiểu về hoạt động của các nhà hàng thác loạn, chúng tôi phát hiện tại quận 5, các nhà hàng kiểu này tập trung ở phường 2 và phường 4. Riêng khu vực phường 4, có đến 4 nhà hàng do một "ông chủ" có tên là Trần Khánh đứng tên, trực tiếp nắm trong tay gần 60 cô gái xinh đẹp.

Tụ điểm khét tiếng ăn chơi có tên "Zách lục lục" (166 Nguyễn Biểu, phường 2, quận 5) thực tế do bà H.T.T đứng tên nhưng điều hành là người bí ẩn có tên "má Thành". Tụ điểm này ít nhất 4 lần bị cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, mỗi lần như vậy thì giấy phép lại đổi người đứng tên nhưng tên thương hiệu "Zách lục lục" vẫn tồn tại gần 10 năm nay. "Tụ điểm "Zách lục lục" hoạt động rất mạnh và là nơi trụ vững lâu nhất ở TP HCM" - một nguồn tin xác tín.

Ai chống lưng?

Những ngày thâm nhập vào các tụ điểm, chúng tôi luôn được các nữ tiếp viên, các tay quản lý trấn an "đã có bảo kê, cứ vui chơi thoải mái". Để chứng minh, họ còn tiết lộ về nhiều cuộc kiểm tra có báo trước. "Chỗ này bị kiểm tra hoài chứ gì. Mà vẫn hoạt động như thường. Ông chủ ở đây có quan hệ rộng lắm, ai làm gì được. Quán vẫn mở, khách vẫn tới như thường" - một nhân viên ở nhà hàng "Zách lục lục" tự tin nói.

Lời nói trên cũng một phần có căn cứ khi theo các tư liệu mà phóng viên ghi nhận vào những năm 2014 và 2015, các đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội liên tục xử phạt những nhà hàng đội lốt bia ôm, trong đó có D.max, 166 Nguyễn Biểu ("Zách lục lục")…; mới nhất là Sunflower Nguyễn Trãi (tháng 12-2017) với những lỗi chủ yếu là kinh doanh karaoke trái phép, sử dụng nhân viên phục vụ trong một phòng karaoke vượt quá số lượng theo quy định, dùng các phương thức phục vụ có tính chất khiêu dâm… Tuy nhiên, đến nay, những tụ điểm này vẫn tồn tại và hoạt động thác loạn không chút e dè.

"Zách lục lục" từng bị kiểm tra và yêu cầu rút giấy phép nhưng đến nay vẫn tồn tại và hoạt động với hình thức như cũ. Các tiếp viên trong "Zách lục lục" ăn bận khêu gợi, bị cơ quan chức năng kiểm tra năm 2015. (Ảnh tư liệu)

Những gì Hải "nổ" khoe, nhân viên, quản lý nhà hàng tiết lộ chưa biết chính xác đến đâu song hoạt động thác loạn mà chúng tôi ghi nhận bằng hình ảnh trong những ngày thâm nhập vào các tụ điểm này là không thể chối cãi. Điều băn khoăn là để được cấp phép hoạt động, các nhà hàng phải thông qua sự xem xét của nhiều sở, ngành. Tiếp đó, suốt thời gian hoạt động, những nhà hàng này phải chịu sự kiểm tra, giám sát của rất nhiều ban ngành, đoàn thể, từ tổ dân phố đến chính quyền phường, quận, thành phố; từ công an khu vực, công an phường, công an quận đến phòng văn hóa thông tin quận, đoàn kiểm tra liên ngành, Chi cục Phòng chống tệ nạn (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)... 

Vậy những cơ quan, tổ chức này có biết đến các "điểm đen" trên địa bàn, lĩnh vực mình quản lý hay không? Sao không xử lý triệt để được? Vì những nơi này hoạt động tinh vi, nhiều phương thức đối phó nên khó phát hiện? Vì lực lượng mỏng, vì bị "bó buộc" bởi quy định của pháp luật...? Những lý do nêu trên hoàn toàn không thuyết phục được dư luận.

TP HCM đang cố gắng xây dựng một TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, không lý gì để tồn tại những tụ điểm đen, những ung nhọt ngay giữa trung tâm như thế. Hy vọng với sự chỉ đạo quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời của UBND TP, các sở - ban - ngành, chính quyền địa phương sẽ tích cực vào cuộc, xử lý nghiêm, triệt để vi phạm; giải tỏa những bức xúc, nghi vấn của dư luận lâu nay về sự bao che, dung túng cho các tụ điểm tệ nạn. 

Câu hỏi lớn

Qua điều tra, chúng tôi phát hiện một vài ông chủ ở những tụ điểm thác loạn tại 2 phường Bến Thành và Tân Định (quận 1) có biểu hiện khá thân thiết với một lãnh đạo của đoàn liên ngành văn hóa - xã hội quận 1. Nhìn vào đó, nhiều người không thể không đặt câu hỏi về mối quan hệ này.

 

Theo Nhóm phóng viên/Người lao động