Helen Chen - nữ sinh quê Vũ Hán đã đau lòng chia sẻ những điều cô đã chứng kiến ngay tại quê hương giữa tâm dịch Corona.
Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây ra đang ngày càng hoành hành với tốc độ chóng mặt. Tính đến ngày 2/2, số người chết do virus corona ở >Trung Quốc tăng lên 304, trong khi số ca nhiễm tăng lên hơn 14.500. Tình hình thực tế khắc nghiệt cùng những con số đáng sợ ấy đã khiến người dân >Vũ Hán, Trung Quốc nói riêng, người Châu Á nói chung đang phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc. Rất nhiều người đã lên tiếng chia sẻ việc mình bị kì thị vì nghi ngờ nhiễm virus Corona.
Hele Chen – cựu du học sinh ở Úc, sinh ra và lớn lên tại Vũ Hán đang bị mắc kẹt tại chính quê hương mình. Cô không thể quay lại trường học cũng như phải chứng kiến sự phân biệt chủng tộc mà chính cô, gia đình, người dân Vũ Hán phải hứng chịu điều đó, trong khi họ cũng là nạn nhân của virus Corona.
Trước hoàn cảnh đó, Hele Chen đã viết một bức tâm thư đăng lên mạng xã hội và nhận được sự đồng cảm và chia sẻ của hàng ngàn thành viên mạng.
Helen Chen - cựu du học sinh Úc sinh ra và lớn lên tại Vũ Hán.
Tâm thư của nữ sinh Vũ Hán trong tâm dịch bệnh virus Corona
“Bây giờ tôi là một trong số hàng triệu người ở Vũ Hán đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do virus Corona gây ra. Nhưng thật đau lòng khi đọc được những bình luận nói rằng chúng tôi xứng đáng bị như thế.
Vâng. Một số người thật kinh tởm và vô văn hóa, họ ăn tất cả những con vật nào biết đi và hoàn toàn coi thường các quy định về an toàn >sức khỏe. Nhưng không phải ai cũng như vậy. Hầu hết chúng tôi chỉ là những người bình thường sống một cuộc sống bình thường. Chúng tôi cũng biết căm ghét, tức giận những kẻ buôn bán động vật quý và những kẻ thản nhiên ăn sống những động vật này.
Chúng ta đang trải qua những ngày trong dịp lễ Tết Nguyên Đán. Nếu bạn không rõ về văn hóa Trung Quốc, hãy để tôi nói về tầm quan trọng của dịp này. Giống như lễ tạ ơn và Giáng sinh kết hợp vậy. Bên cạnh ý nghĩa lịch sử, truyền thống, đối với hàng triệu người, Tết Nguyên đán là khoảng thời gian duy nhất trong năm họ được đoàn tụ cùng gia đình, cùng ngồi ăn bữa cơm sum họp. Ở Trung Quốc, những người nông thôn lên thành phố để tìm cơ hội việc làm tốt hơn ngày càng đông. Cả năm họ làm việc chăm chỉ, gửi cho ba mẹ ít tiền mà mình kiếm được. Vì thế, được đoàn tụ trong đêm Giao thừa là điều mà mọi người luôn khao khát mong chờ.
Nhưng dịch bệnh do virus Corona đang lấy đi thời gian quý giá đó. Các bác sĩ và y tá đang làm việc không kể ngày đêm, nhiều người trong số họ đã không về nhà trong nhiều tuần liền. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khắp Trung Quốc đang tình nguyện đến Vũ Hán để giúp đỡ; công nhân nhà máy tiếp tục công việc do thiếu khẩu trang và bộ đồ bảo vệ; 3M và các công ty khác cũng đang quyên góp khẩu trang; khách sạn khắp Vũ Hán đã cung cấp chỗ ở miễn phí cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe; chuỗi cửa hàng tiện lợi đang cung cấp các bữa ăn nóng miễn phí cho bệnh viện và công nhân; người giao hàng phải từ bỏ ngày nghỉ để giao thức ăn cho các gia đình vì chúng tôi không thể rời khỏi nhà; công nhân xây dựng đang vất vả làm việc để xây bệnh viện mới,... Tất cả những con người đang làm việc không biết mệt mỏi để cứu sống những người khác như thế này cũng là đáng đời hay sao?
Những kẻ buôn bán động vật quý đã cướp đi thời gian quý giá của những người đang thực sự đặt cuộc sống của họ vào lưới nguy hiểm để giúp đỡ người khác. Nhưng trên mạng xã hội, những “người anh hùng vô danh” này đang bị gộp chung với những kẻ xấu, bị chỉ trích, lên án. Thật sự rất đau lòng. Họ không đáng bị như vậy.
Ngay bây giờ, hầu hết các gia đình vẫn còn đồ ăn dự trữ những ngày Tết. Nhưng chỉ trong một tuần hoặc thậm chí vài ngày, chúng tôi sẽ hết thức ăn. Bố mẹ tôi vừa đi siêu thị về và nói rằng nhiều kệ hàng đã trống rỗng. Giao thông công cộng bị đình chỉ hoàn toàn, từ hôm nay trở đi, những chiếc xe không liên quan đến việc ngăn chặn virus Corona sẽ không được phép lưu thông trên đường nữa, không ai được phép rời khỏi Vũ Hán. Vậy cho tôi hỏi, tất cả chúng tôi có xứng đáng với điều này không?
Tôi thậm chí không phải là cư dân vĩnh viễn sống ở đây, tôi chỉ trở về ăn Tết sau hơn 1 năm đi học xa nhà. Nhưng bây giờ tôi không thể trở lại trường học. Tôi chắc chắn có rất nhiều người đang trong tình huống tương tự như tôi. Tôi không hy vọng mình trở thành nạn nhân, tôi chỉ đang cố gắng kể về câu chuyện của mình, nói lên quan điểm của mình. Và tôi rất xin lỗi vì virus đã lan truyền đến các nước khác. Tôi thực sự rất xin lỗi. Nhưng không phải tất cả người Trung Quốc đều là người xấu. Không phải tất cả đều ích kỷ, ghê tởm. Tôi nghĩ thật không công bằng khi bạn nói rằng tất cả chúng tôi đều "xứng đáng" chịu đựng dịch bệnh này vì hành vi của một số người”.