Ba mẹ ly dị sớm, sau đó mỗi người lại có gia đình riêng nên không ai quan tâm D. Em bị bạn bè xấu dụ dỗ đi bụi, nghiện ngập, cướp giật rồi vướng vòng lao lý.
N.T.T.D. hiện đang bị giam tại trại giam Long Hòa (Tổng cục VIII, Bộ Công an). Em bị bắt vào tù từ khi mới 15 tuổi vì tội cướp giật.
Theo chia sẻ của D., nhà em ở TP.HCM, ba mẹ ly dị từ sớm. Sau đó, họ đều có hạnh phúc riêng nên không quan tâm đến con cái. D. bắt đầu nghỉ học và tập trung theo một số đàn anh, đàn chị đi chơi đêm, "đập đá" rồi tham gia cướp giật.
D. kể, vụ thứ nhất thành công. Đến vụ thứ hai, gần cuối năm 2015, khi chưa kịp giật thì cả nhóm bị bắt. Lúc đó D. mới 15 tuổi.
Với những phạm nhân ở đây nói chung, D. nói riêng thì Tết là những ngày buồn nhất vì không có gia đình bên cạnh. D. rưng rưng nói: “Mẹ em nấu ăn ngon lắm. Trong trại thì ‘đồ kho nấu như canh, còn canh nấu như đồ mặn’, hồi đầu mới vào em nuốt không trôi. Khi bưng chén cơm là em khóc vì nhớ mẹ, nhớ nhà. Em nhớ mùng 1 đầu năm, hai mẹ con dậy sớm, mẹ thắt bím tóc, dắt qua bên ngoại chúc Tết, nhận tiền lì xì… Tết ở trại cũng có bánh trái, mứt nhưng buồn lắm”.
Mong ước lớn nhất của D. lúc này là có thể sớm ra ngoài đoàn tụ với gia đình. Lúc đó em sẽ theo học nghề hoặc phụ mẹ buôn bán.
D. chỉ là một trong gần 500 phạm nhân vị thành niên phạm tội hiếp dâm, trộm cắp, cướp giật. Thượng úy Nguyễn Xuân Trung (Bí thư Đoàn cơ sở kiêm cán bộ giáo dục) tại trại giam Long Hòa chia sẻ với Pháp luật TP.HCM: “Chưa có khảo sát cụ thể nhưng từ thực tế công việc, có khoảng 40% trẻ đi vào con đường phạm tội do tác động của hoàn cảnh gia đình. Có bậc phụ huynh hoàn cảnh khó khăn, mải lo kiếm tiền, bỏ bê con cái và các em sa chân vào đường tối. Thế nhưng có những người lên thăm con bằng ô tô riêng, mang rất nhiều đồ ngon vật lạ. Họ tâm sự nhà không thiếu gì nhưng không hiểu tại sao con lại đi cướp giật”.
Tội phạm vị thành niên không chỉ là mối lo ngại của xã hội mà còn là nỗi đau, sự bất lực của gia đình. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của loại tội phạm này là do sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các mạng xã hội. Ngoài ra, những đứa trẻ này thường xuất thân từ những gia đình có cha mẹ ly hôn.
Ngày nay nhiều bậc cha mẹ cứ nghĩ tiền sẽ mang lại cho con cái cuộc sống hạnh phúc. Chính vì vậy họ cứ vứt tiền cho con, thiếu quan tâm, chăm sóc. Đến lúc những đứa trẻ theo bạn bè xấu bên ngoài nghiện hút, cướp giật, vướng vào vòng lao lý mới hối hận thì đã muộn màng.