“Đôi lần, vợ bảo, ước gì em được là Zin Ku. Em có cảm giác, anh thương, quan tâm nó hơn cả em”, chiến sĩ huấn luyện chó Nguyễn Văn Chiều kể. Anh thấu hiểu tâm lý của vợ. “Mình tin, dần dần vợ cũng sẽ hiểu. Zin Ku không chỉ là công việc mà còn là người bạn, người đồng đội”, anh nói.
Khi đến thăm Đội >huấn luyện chó nghiệp vụ, phòng Tham mưu, Bộ đội Biên phòng TP.>Đà Nẵng, người viết đặc biệt chú ý đến sự thân thiết của anh Nguyễn Văn Chiều và chú chó Zin Ku. Cả hai quấn quýt, thường xuyên thì thầm với nhau. Người viết tò mò: “Anh nói gì với chú chó miết thế?”. Anh Chiều cười: “Zin Ku rất thích được trò chuyện. Nó hiểu hết đấy”.
Anh Chiều kể, Zin Ku đã được 4 tuổi, là trong những chú chó nhỏ tuổi nhất ở đây. Ngày ra trường, anh làm huấn luyện viên một chú chó khác. Sau đó, anh trao trả chú chó kia cho nhà trường và bắt đầu huấn luyện Zin Ku. Ngày ấy, Zin Ku chỉ mới 1 tuổi. Anh và chú chó này khá “tâm đầu ý hợp”. Ngay từ những ngày đầu, anh nói gì chú đều hiểu nên việc huấn luyện không quá khó.
Hàng ngày, anh chăm chút từng tí cho chú chó này. Nơi ăn, chốn ngủ của chó anh vệ sinh thật sạch sẽ. Anh cũng thường dắt chú đi dạo quanh để thay đổi không khí.
Anh Chiều kể, để huấn luyện một chú chó nghiệp vụ giỏi, có >sức khỏe tốt, ngoài việc phải chăm sóc theo đúng quy trình, huấn luyện viên phải xem chó nghiệp vụ như người bạn, người thân, đồng đội. Bởi, đặc thù chó nghiệp vụ chỉ tuân lệnh một huấn luyện viên duy nhất. Chó cũng có tình cảm, cảm xúc. Nếu mình yêu thương thì nó cũng yêu thương mình và ngược lại.
Vào năm 2016, anh Chiều kết hôn với một cô gái Đà Nẵng. Ngoài thời gian công tác tại đơn vị, anh trở về gia đình cùng vợ. Mặc dù vậy, do thói quen, anh vẫn thường trò chuyện, kể về Zin Ku. Thậm chí, nhiều lúc, vợ anh cảm thấy ghen tị với chú chó này.
“Đôi lần, vợ bảo, ước gì em được là Zin Ku. Em có cảm giác, anh thương, quan tâm nó hơn cả em”, anh Chiều kể. Anh thấu hiểu tâm lý của vợ. Bởi, thời gian anh ở với chú chó nhiều hơn cả với vợ. Anh tập luyện cùng, ngày ngày lo thức ăn nước uống, trò chuyện cùng Zin Ku. Trong trường hợp chó bị ốm, anh phải chăm sóc kĩ lưỡng, chăm chút. “Mình tin, dần dần vợ cũng sẽ hiểu. Zin Ku không chỉ là công việc mà còn là người bạn, người đồng đội”, anh nói.
Đại tá Tôn Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.Đà Nẵng cho biết, Đội chó nghiệp vụ của đơn vị được thành lập 2011, có 8 huấn luyện viên và 8 chú chó nghiệp vụ, được đào tạo từ trường trung cấp 24 Biên phòng thuộc bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Đội có nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực biên giới biển, đảo và phối hợp với lực lượng an ninh trật tự trên địa bàn thành phố làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, bảo vệ trong khám xét các chuyên án về ma túy, cứu hộ, cứu nạn, hoạt động diễn tập chống khủng bố…
Tại đây, mỗi chú chó đều có tên riêng như Zin Ku, Ka Zu, Mic Zôn… Chó ở đây được lựa chọn kỹ lưỡng từ khi 1 tuổi mới được đưa vào huấn luyện. Mỗi chú chó sẽ gắn liền với một luấn luyện viên cho đến kết thúc vòng đời. Các chú chó ở đây phải tuân thủ ăn uống, tập luyện hằng ngày như các chiến sĩ.
Theo Đại tá Khánh, chó nghiệp vụ là cộng sự đắc lực của những người lính Biên phòng. Chúng là vũ khí đặc biệt của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong bảo vệ mục tiêu, truy bắt tội phạm và đấu tranh phát hiện các đối tượng giấu ma túy, giám định nguồn hơi tìm đối tượng… góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.