Người ta trông Tết không phải vì bánh mứt, dưa cà mà mong ngóng cái không khí sum họp, gia đình quây quần, tụ họp sau một năm ròng vất vả ngược xuôi.

Phương Chang (TH) 08:03 15/01/2022

Thế nhưng, với chị Nguyễn Thị Ngọc Loan (28 tuổi), năm nay sẽ là một cái Tết buồn, sự sum họp, đoàn viên có lẽ là điều không thể bởi chồng chị đã ra đi sau những tháng ngày kinh hoàng chống chọi với dịch bệnh.

Mất mát không thể bù đắp

Chồng chị là Trần Phước Lộc (35 tuổi). Hai người gặp và yêu nhau khi anh làm công nhân ở một xí nghiệp may còn chị làm việc trong một công ty điện tử ở Bình Dương. Chọn tha hương cầu thực, đôi vợ chồng trẻ chỉ mong cầu một cuộc sống đỡ khổ hơn và dành dụm được ít tiền lo cho con cái sau này. Mong ước giản đơn ấy có lẽ đã thành hiện thực nếu dịch bệnh không ập đến.

Dù không khá giả nhưng anh Lộc luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho vợ con. Ảnh: NVCC

Bao đêm lo lắng, tự trấn an bản thân, chị Loan như tuyệt vọng khi nghe tin anh không còn: “Bình thường sáng là hay gọi hỏi thăm anh khỏe không. Tới ngày 6/8 là bắt đầu gọi không được thì mình mới đăng bài hỏi thăm lên nhóm công nhân, nhờ mấy anh nằm chung bệnh viện đi hỏi giùm thì bác sĩ nói là anh mất rồi. Lúc đó chị không có tin sau đó bên phía bệnh viện có gọi thì mình mới tin là anh mất”.

Nói về chồng mình, chị Loan luôn dành một sự yêu thương và tự hào. Những lần chị tăng ca về khuya, anh Lộc sẽ đón con tan học, về nhà thì dọn dẹp, nấu cơm đỡ đần giúp chị. Những kỷ niệm về chồng mình, về cha mình, có lẽ mẹ con chị Loan sẽ không thể nào quên. 

“Tới bây giờ mà cái bàn thờ anh ở đó, mà lại đốt nhang xong là chị đi liền, không dám đứng lâu. Chị đứng đó là chị chịu không nổi. Ngày nào cũng để cho con bé bưng cơm cúng cho ba nó chứ chị ra đứng hồi là chị khóc”.

Những ước mơ mãi không thành

Chị Loan kể, lúc đầu anh, chị định Tết năm trước sẽ về ở hẳn nhưng lúc đó chị lại biết mình có thai nên nấn ná ở lại Bình Dương chờ ngày sinh nở đàng hoàng rồi về luôn. Làm ở Bình Dương thiệt là tiền nhiều hơn ở quê nhưng tiền trọ, tiền ăn uống cũng nhiều. 

Thêm vào đó là bé Ngọc Hân (5 tuổi) – con gái lớn của anh, chị sắp vào lớp 1, tiền học trên này cũng đắt đỏ. Thế đó, đã từng có dự định tết năm nay sẽ về quê ở hẳn rồi hai vợ chồng mở tiệm cơm nhỏ, buôn bán sống qua ngày vậy mà dịch bệnh tàn nhẫn quá.

Khoảnh khắc hạnh phúc đầy đủ của gia đình chị Hương giờ đã không còn nữa (Ảnh NVCC)

Bụng mang dạ chửa cùng với nỗi đau mất chồng, cuộc hành trình hồi hương của chị đầy gian truân. “Giờ đi Bình Dương làm thì cũng không được tại con còn nhỏ quá với. Ở đây thì chi phí sống thấp hơn trên đó, có nội, có ngoại cũng gần cũng giúp mình giữ bé được, nó đỡ hơn. Chị cũng dự định sẽ về nhà mẹ ruột bên An Giang để buôn bán”, chị Loan tâm sự.

Cái Tết đầu tiên vắng cha

Còn khoảng hơn một tháng nữa là đến Tết, với những gia đình khác, đây là khoảng thời gian họ gấp gáp hoàn thành công việc để quay về đoàn viên cùng gia đình, được tự tay mua sắm, trang hoàng nhà cửa. Vậy mà ở một huyện biên giới Hồng Ngự, dưới mái nhà nhỏ ấy, chỉ thấy nước mắt của người vợ mất chồng và sự ngây ngô hỏi về ba của Ngọc Hân. Làm sao không hỏi về ba cho được khi mà lúc còn sống, anh Lộc luôn cưng chiều, yêu thương con gái hết mực, có thời gian là lại dẫn cả nhà đi chơi Thảo Cầm Viên và ăn những món ngon.

Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, Ngọc Hân vẫn chưa thể hiểu hết sự bất hạnh khi không có ba. Em vẫn ngây ngô, hồn nhiên như lứa tuổi của mình. Dẫu thắc mắc nhưng em không dám hỏi về ba nhiều vì em biết, mỗi lần em hỏi, mẹ lại khóc. 

Còn với chị Loan, vết thương lòng vẫn còn đó nhưng nhường chỗ cho những nghị lực và cố gắng phi thường vì tương lai hai đứa nhỏ.

Trong những ngày cách ly, anh Lộc vẫn thường xuyên gọi điện về thăm vợ con. Ảnh: NVCC

Những năm trước, dẫu phải đón Tết xa nhà và trong căn phòng trọ nhỏ nhưng gia đình luôn quây quần có nhau, đơn sơ nhưng có vợ, có chồng. Năm nay lại rất khác. Một thân một mình lại vừa trải qua một cuộc sinh nở tốn kém, tiền bạc mà chị tích góp giờ cũng không còn. Tết này, chị Loan chỉ mong mua cho hai đứa nhỏ được tấm áo mới, còn bản thân thì không sắm sửa gì. 

Tôi hỏi về mong ước của chị cho năm mới, chị cười và nói chỉ mong mọi người được bình an. 

“Nhiều lúc mình nghĩ đồng tiền có giá trị thiệt nhưng mà khi chồng mình mất rồi thì mình nghĩ tiền nó không quan trọng bằng >sức khỏe”.

Theo Mỹ Ngọc/Nhịp sống Việt