Sau tai nạn kinh hoàng, nạn nhân bị đứt lìa bàn tay trái, nguy cơ hoại tử sau nối rất cao vì tổn thương ban đầu quá trầm trọng.

14:11 28/03/2018

Đó là trường hợp của ông N.N.M. (54 tuổi, quê Bình Dương). Bác sĩ Võ Hòa Khánh, Bệnh viện (BV) Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho biết, nạn nhân M. nhập viện với một vết thương rất nặng.

Cụ thể do chủ quan nên trong lúc làm việc, bàn tay cầm cây gỗ của người đàn ông bị trượt xuống lưỡi máy cưa nên bị chém đứt lìa. Bệnh nhân được chuyển đến BV địa phương rồi chuyển lên tuyến trên sau đó vì tình trạng nặng nề.

Khi đến BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, bệnh nhân đã trong tình trạng có vết thương đứt lìa bàn tay trái, nhiều mô dập nát. Trong đó, bàn tay trái chỉ còn ngón út nguyên vẹn, mất xương bàn tay 4 ngón còn lại.

Ảnh chụp phim cho thấy phần tay bị đứt lìa vì máy cưa.

 Ekip điều trị do bác sĩ Nguyễn Ngọc Thạch, khoa Vi phẫu tạo hình là phẫu thuật viên đã có 5 tiếng đồng hồ căng thẳng, ròng rã từ từ 23 giờ đêm ngày 16/3 đến 4 giờ sáng ngày 17/3 để mổ cắt lọc làm sạch hai đầu ở các vết thương đứt lìa, khâu nối vi phẫu động mạch, khâu gân, nẹp bột tay trái.

Bác sĩ Thạch cho biết, tiên lượng nguy cơ hoại tử bàn tay đứt lìa sau nối của ông M. rất cao vì tổn thương ban đầu quá trầm trọng.

Bàn tay sau mổ.

 10 ngày sau mổ, bàn tay của bệnh nhân bị hoại tử một ngón, chỉ cứu được ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa.

Bác sĩ khuyến cáo khi tay nạn nhân đứt rời cần sơ cứu đúng cách và kịp thời đưa nạn nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa trong thời gian vàng là những giờ đầu.

Bảo quản phần đứt rời bằng cách cho vào túi nilon sạch buộc kín lại. Nếu có thể thì bọc phần rời này trong miếng gạc trước khi cho vào túi nilon. Đặt túi nilon trong đá lạnh. Lưu ý tránh để phần đứt rời tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh vì dễ làm mạch máu và dây thần kinh bị hỏng.

 

Theo Hoàng Lê/Trí Thức trẻ