Tai nạn nổ pháo kinh hoàng đã phá hỏng toàn bộ khuôn mặt của cậu bé 9 tuổi. Dù được cứu sống, nhưng bé có một hành trình đầy khó khăn phía trước.
Cách đây 7 tháng, người dân tại >Hà Cối (Quảng Ninh) vẫn chưa kết bàng hoàng với tai nạn xảy ra với bé Tuấn Anh (9 tuổi). Khi cả xóm đang yên ả thì một tiếng pháo nổ lớn, tiếp theo đó là tiếng khóc thất thanh của trẻ con khiến cho người dân hoảng sợ.
Mọi người còn xót xa hơn khi nhìn thấy cháu Tuấn Anh bị biến dạng toàn bộ khuôn mặt, toàn thân đầy máu, được bế vội lên xe đi cấp cứu.
Lúc này, bà ngoại Tuấn Anh run rẩy, vội vàng nhấc máy gọi điện cho chị Nguyễn Thị Thúy (29 tuổi, tại Hà Cối, >Quảng Ninh – mẹ Tuấn Anh) lắp bắp thông báo: "Con… tai nạn, về ngay".
Chị Thúy và chồng vội vàng chạy về nhà thì biết con gặp tai nạn do chơi pháo.
"Lúc đó là vào tháng ra Giêng, ở vùng quê tôi mọi người thường mua pháo về chơi. Không biết con và bạn nhặt được thuốc pháo chưa cháy hết ở đâu mang về nhà đốt. Trong lúc đốt, lửa bị tắt giữa chừng, con mới dùng miệng thổi lửa…", chị Thúy kể lại.
Sau khi tai nạn xảy ra, bé Tuấn Anh được chuyển từ tuyến huyện lên bệnh viện tỉnh. Vợ chồng chị Thúy lái xe máy đi theo sau. Khi tới bệnh viện, hai anh chị nhìn qua tấm kính mờ của phòng cấp cứu và thấy con đang chảy rất nhiều máu.
Một ngày sau, chị Thúy gặp lại con, chị gần như chết đứng người.
"Toàn thân con sưng nề, mặt biến dạng không còn hàm, mắt không nhìn rõ. Con không nói được, chỉ biết ra dấu hiệu 'Sao không nói được, mắt không nhìn thấy gì?'", chị Thúy chia sẻ.
Tai nạn pháo nổ đã khiến cho khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú của bé Tuấn Anh bị biến dạng. Để phẫu thuật lại hàm mặt, bé Tuấn Anh được chuyển lên Bệnh viện Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương.
"Không thể mở được miệng nên hơn 7 tháng qua con phải ăn qua xông. Muốn nói gì chỉ có thể ra dấu", chị Thúy nói.
Theo chị Thúy, gia đình chị không khá giả, vợ chồng chỉ làm nông nghiệp nên khi con gặp tai nạn đều phải vay tiền điều trị cho con.
Lần phẫu thuật đầu tiên, chi phí mất khoảng gần 200 triệu, anh chị cố gắng bán các đồ có giá trị, cầm cố mới đủ tiền cho con. Tới lần phẫu thuật thứ 2, không có tiền, thương con, vợ chồng chị Thúy phải đi vay hoàn toàn.
Chị Thúy tâm sự: "Tôi rất ân hận vì sự việc xảy ra với con. Nhìn con đau đớn, khóc hoảng loạn trong đêm, tôi thực sự suy sụp, thương con vô ngần. Tôi chỉ mong tương lai, con đủ mạnh mẽ để vượt qua tiếp các cuộc phẫu thuật trước mắt".
Lần mổ này, bé Tuấn Anh được phẫu thuật mở phần miệng. Hiện phần miệng của bé vẫn bị khuyết môi và nhiều sẹo co dính. Và trong tương lai, Tuấn Anh sẽ còn phải trải qua nhiều cuộc mổ khác mới có thể sinh hoạt được.
TS.BS Nguyễn Hồng Nhung, khoa Phẫu thuật và Tạo hình Hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, cho hay bệnh nhi được chuyển tới bệnh viện trong tình trạng khá nặng: mất toàn bộ miệng, mất toàn bộ môi trên và môi dưới, không há được miệng, viêm xương hàm dưới.
Theo bác sĩ Nhung, bệnh nhi sẽ phải trải qua nhiều ca phẫu thuật để cải thiện khuôn mặt. Trong đó, việc đầu tiên bác sĩ cần phải làm là giúp bệnh nhân thoát ăn ống xông. Việc tiếp theo là tháo nẹp và nạo tổ chức viêm, hoại tử hàm dưới.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ xác định không chỉ bên ngoài mà toàn bộ vùng trong niêm mạc má của bé đều bị sẹo xơ cứng hết. Ca mổ kéo dài 4 giờ đồng hồ và kết quả thành công. Sau ca phẫu thuật, Tuấn Anh đã nói được, khiến mẹ và cả bác sĩ phẫu thuật xúc động trào nước mắt. Ngày tiếp theo đó, bé có thể ăn qua đường miệng.
Theo bác sĩ Nhung, thời gian tiếp theo sẽ khó khan với cả bệnh nhi lẫn các bác sĩ vì bé đã mất toàn bộ tổ chức môi trên môi dưới.
Bác sĩ cũng cho hay chặng đường phía trước của Tuấn Anh còn dài. Bé cần được theo dõi và trải qua nhiều cuộc phẫu thuật phức tạp và tốn kém.
Còn về phần vợ chồng chị Thúy, ngoài khoản nợ lớn, anh chị còn 2 con nhỏ nên gánh nặng càng thêm nặng nề. Để giúp cho bé Tuấn Anh có cơ hội được phẫu thuật tiếp, gia đình chị Thúy rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng.