Đa số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường trở nặng từ ngày thứ 5, thứ 6 trở đi, tuy nhiên tổng hợp các ca bệnh năm nay các chuyên gia nhận thấy có điểm khác thường.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba cho biết, những tuần gần đây tại Khoa Nhi liên tục gia tăng trẻ em mắc bệnh sốt xuất huyết tới khám. Đáng lưu ý, năm nay tỷ lệ trẻ mắc sốt xuất huyết trong tình trạng nặng khá nhiều, trẻ với những biểu hiện như sốt cao liên tục, giảm tiểu cầu rất nhanh.
Nhiều trường hợp ngày thứ ba, thứ tư của đợt sốt đã có những dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện như tiểu cầu giảm nhanh, đau bụng dữ dội, nôn nhiều, người mệt, trong khi đó những năm trước những dấu hiệu nhập viện hay tiểu cầu giảm nhanh thường diễn ra những ngày sau từ thứ 5,6 trở đi.
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, trung bình một ngày có từ 10 - 20 bệnh nhân nặng nhập viện. Các bệnh nhân đều đến trong tình trạng tiểu cầu giảm nặng hoặc biểu hiện cô đặc máu, sốc, suy đa tạng... nhiều bệnh nhân tiểu cầu chỉ còn dưới 5G/L. Ngoài ra nhiều bệnh nhân có bệnh nền như bệnh gan, thận, tim, người già hoặc cơ địa phụ nữ có thai, trẻ em cần phải theo dõi điều trị sát sao.
Ths.BS Nguyễn Quốc Thái - Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, căn cứ vào lý thuyết chu kỳ dịch bệnh và thực tế hiện nay đều đang trùng khớp với dự báo năm nay >dịch sốt xuất huyết sẽ lớn.
“Thực sự con số mắc sốt xuất huyết năm nay vượt trội hơn hẳn so với năm ngoái. Các đơn vị cơ sở y tế cần phải chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, giường bệnh. Đặc biệt, người dân cần nâng cao ý thức, không được chủ quan, lơ là vì bệnh xác định muộn sẽ rất khó điều trị”, BS Thái nhận định.
Vị bác sĩ đặc biệt nhấn mạnh đến nhóm trẻ em vì nguy cơ bệnh trở nặng là rất cao. Bởi hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, khi gặp phải tác nhân gây bệnh, trẻ sẽ dễ dẫn đến rối loạn nặng.
“Trẻ em thường hay bị bỏ sót các dấu hiệu bệnh và khó khăn trong việc khai thác. Việc bổ sung nước ở trẻ cũng khó hơn so với người lớn nên tình trạng sốt của trẻ thường tiến triển nặng và nhanh”, BS Thái phân tích.
Hiện nay, nhiều người điều trị sốt xuất huyết tại nhà có tâm lý chủ quan khi cho rằng, hết sốt là khỏi bệnh và không thăm khám lại.
Thực tế, sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Tuy nhiên, ThS. BS Hà Huy Tình - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK Đống Đa cho biết, phần lớn các trường hợp điều trị tại nhà mắc sai lầm chỉ chú trọng điều trị giai đoạn đầu như sốt cao thì tìm mọi cách hạ sốt, khi cơn sốt đã ngắt thì không đi thăm khám lại, chỉ đến khi xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết da, chảy máu cam, chảy máu lợi… mới đến viện thăm khám khi đó việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
Bác sĩ Tình nhấn mạnh, việc thăm khám muộn rất nguy hiểm, bởi giai đoạn sau sốt (từ ngày 3-7), bệnh bắt đầu diễn biến nặng, tiểu cầu suy giảm có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết niêm mạc (chảy máu mũi, miệng, mắt…). Trường hợp nặng có thể xuất huyết nội tạng, xuất huyết tiêu hóa,…
Đặc biệt bệnh nhân có rối loạn đông máu, người có bệnh nền rất nguy hiểm gây máu cô đặc có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Do vậy, BS Tình khuyến cáo, khi có dấu hiệu sốt cao mà đang trong vùng dịch sốt xuất huyết hoặc nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân cần đến viện thăm khám ngay để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị đúng.