Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi UBND thành phố về sự thảo phương án phối hợp vận chuyển người lao động trở lại TP.HCM sau 30/9.
Theo thông tin từ Vietnamnet, đến nay, Sở GTVT thành phố đã phối hợp với các cơ quan đầu mối các tỉnh tổ chức đưa đón khoảng 33.000 người về 34 tỉnh, thành trong cả nước.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động các tỉnh, thành phố trong cả nước trở lại TP.HCM làm việc đảm bảo an toàn và thuận lợi trong thời gian thành phố khôi phục hoạt động kinh tế trong tình hình mới, Sở GTVT đã chủ động phối hợp với nhiều Sở, ngành đề xuất phương án phối hợp với các địa phương hỗ trợ công tác vận chuyển người lao động về thành phố.
Cụ thể, người lao động về thành phố phải đáp ứng các điều kiện: Có kế hoạch làm việc (được các doanh nghiệp, hợp tác xã có văn bản xác nhận hoặc gửi thông báo). Đã tiêm vắc xin phòng >Covid-19 mũi thứ nhất đủ 14 ngày sau khi tiêm hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 có xác nhận của cơ quan y tế (hoặc theo hướng dẫn của Sở Y tế) đủ điều kiện tham gia hoạt động. Có kết quả xét nghiệm (SARS-CoV-2) âm tính còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế.
Được UBND tỉnh/thành phố nơi cư trú cho phép di chuyển (đối với địa phương là vùng cam, vùng đỏ) để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
3 phương thức vận chuyển người lao động bằng đường bộ
Phương thức 1: Đơn vị (doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển công nhân) gửi phương án vận chuyển đến các cơ quan đầu mối (UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện, Ban Quản lý Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Ban Quản lý dự án, Tổng công ty thuộc UBND thành phố hoặc các Bộ, ngành quản lý) để rà soát, tổng hợp gửi Sở GTVT thành phố xem xét tổ chức triển khai.
Phương tiện vận chuyển là ô tô trên 10 chỗ có đăng ký kinh doanh. Sở GTVT thành phố cấp giấy nhận diện có mã QR cho phương tiện, thông báo đến các tỉnh, thành phố kế hoạch vận chuyển.
Các phương tiện trả khách tại Bến xe Miền Đông hoặc Bến xe Miền Tây khi vào TP.HCM. Người lao động di chuyển từ bến xe về nơi cư trú/lưu trú bằng xe taxi đã được Sở GTVT cấp phép hoặc phương tiện trung chuyển đã được doanh nghiệp đăng ký trong phương án.
Chi phí vận chuyển sẽ do đơn vị sử dụng lao động tự chi trả hoặc thỏa thuận với người lao động.
Phương thức 2: Ban Quản lý Khu Chế xuất và Công nghiệp và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao làm đầu mối tổng hợp nhu cầu của các đơn vị đang hoạt động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao, phối hợp với Công ty cổ phần xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines xây dựng kế hoạch vận chuyển gửi Sở GTVT xem xét cấp giấy nhận diện có mã QR và thông báo đến các tỉnh, thành phố (Sở GTVT các tỉnh, thành phố) kế hoạch vận chuyển.
Các phương tiện chỉ được trả khách tại địa điểm đã đăng ký trong kế hoạch. Chi phí vận chuyển: do đơn vị sử dụng lao động tự chi trả hoặc thỏa thuận với người lao động.
Phương thức 3: Tổ chức tuyến vận tải hành khách cố định xuất phát từ bến xe khách liên tỉnh của các tỉnh, thành phố đến Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây. Tần suất hoạt động: tối đa 4 chuyến/ngày/tuyến.
Đơn vị vận chuyển là các đơn vị kinh doanh vận tải theo tuyến cố định đảm nhận khai thác trên từng tuyến do >Sở GTVT TP.HCM thống nhất với Sở GTVT tỉnh, thành phố liên quan và cấp giấy nhận diện QR code cho phương tiện trước khi thực hiện kế hoạch vận chuyển. Chi phí vận chuyển: theo giá vé doanh nghiệp kê khai, niêm yết phù hợp quy định.
Dự thảo nêu rõ thời gian triển khai chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ ngày 1 - 31/10) sẽ triển khai tổ chức vận chuyển bằng đường bộ theo các phương thức 1 và phương thức 2.
Đến giai đoạn 2 (từ ngày 1/11) sẽ triển khai cả 3 phương thức.
Ngoài ra còn có các phương thức vận chuyển người lao động bằng đường sắt và đường hàng không. Tuy nhiên, kế hoạch, phương án thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT nhằm đảm bảo yêu cầu an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và phù hợp nhu cầu của các địa phương nơi đi và nơi đến.