Sau khi lễ Thánh xong, người đàn bà bí ẩn này thả cả tấn rắn, toàn hổ mang chúa, hổ mang bành vào khu rừng ngay cạnh đền Trung.
Ngôi mộ kỳ lạ
Trong cuốn ngọc phả cổ còn lưu giữ ở đền Trung (Minh Quang, Ba Vì, Hà Nội), thì ngôi đền được xây dựng trên quả núi có tên Thụ Tinh. Tên này là do một vị thần đặt ra. Được thần chỉ bảo, cha của Thánh Tản Sơn Tinh đã mang tổ tiên lên núi chôn. Tuy nhiên, câu chuyện ấy vẫn chỉ vảng vất sự huyền hoặc, còn thực tế mồ mả ở đâu, thì hơn hai ngàn năm rồi, khó mà biết được. Thế nhưng, với niềm tin đó, không ít trường hợp đã đem mộ táng ở quả núi nơi có ngôi đền này.
Cũng theo nội dung của ngọc phả, sở dĩ, quả núi có tên Thụ Tinh, vì lời vị thần ngụ ở núi đó nói với Thánh Tản như sau: “Núi này phàm người ta mà chết đi, tất cả tinh thần quay về đây, cho nên mới có tên là núi Thụ Tinh”. Nói xong, vị thần râu tóc bạc phơ biến mất. Ngồi trên tảng đá, Thánh Tản mới đọc: “Tự Đế Vương nhi ức triệu dân/ Quy thần đất tụ liễm tin thần/ Thư truyền vị biên chân tương huyễn/ Diệu tưởng sơn danh phảng phất chân”. Có nghĩa là: “Từ bậc Đế Vương đến triệu dân/ Khi mất đi đều quy tụ tinh thần (hồn phách) về đây/ Lời thề ấy chẳng rõ đúng sai/ Đứng trước núi thấy phảng phất đúng như thế”.
Đọc xong mấy câu đó, trời đất tối tăm, gió mưa bão bùng, nghìn chim tụ tập, trăm thú về chầu, trên trời có tiếng đàn ca dặt dìu. Ngôi sao từ trong người Thánh Tản bay lên, ông ngồi ngay ngắn ở phiến đá rồi hóa. Bấy giờ là vào ngày mồng 6 tháng 11 âm.
Thủ nhang đền Trung là anh Võ Tùng Lâm đứng ở cổng đền, chỉ tay xuống bãi đất trống bao quanh bởi những vạt đá lô nhô trước mặt ngôi đền và bảo rằng, nghiên cứu ngọc phả và thực địa, thì nhiều khả năng khu vực linh thiêng nhất của núi Tản là ở đó. Nơi đấy, cũng diễn ra rất nhiều chuyện lạ lùng, có phần kinh dị.
Một câu chuyện có thật, xảy ra sau này, nên tất nhiên không có trong ngọc phả, nhưng người dân trong vùng thì lưu truyền mãi mãi, cụ già nào ở xã Minh Quang cũng đều nắm được và kể lại rành rọt. Đó là chuyện sét đánh bật mộ cha của quan tuần phủ.
Ngày đó, quan tuần phủ Tuần Tinh, thuộc đạo Sơn Tây, nổi tiếng giàu có nhất vùng. Được thầy phong thủy hiến cho kế táng mộ cha vào núi Thụ Tinh, sẽ thăng quan tiến chức. Ông cùng thầy phong thủy tìm lên núi Thụ Tinh và chọn vị trí ngay trước đền Trung cổ kính ẩn trong rừng.
Nửa đêm, ông cùng gia nhân tin cậy quật mộ cha, gói ghém hài cốt trong vải đỏ, tiểu gốm, rồi mang lên chôn. Thế nhưng, ngay khi trời sáng, sấm chớp đùng đùng, mây đen vần vũ bao phủ núi Tản. Những ánh sáng lóe lên giữa trời đen, giáng những tia lửa xuống núi Thụ Tinh, sấm dậy động rừng. Trời quang mây tạnh, quan tuần phủ chạy lên đền Trung, thì kinh hoàng khi thấy mộ cha bị sét đánh quật lên khỏi mặt đất, cốt vương vãi khắp nơi. Tin rằng đây là đất của thánh thần, không được xâm phạm, nên ông thu gom hài cốt cha đem về nhà.
Thủ nhang Võ Tùng Lâm dẫn tôi xuống vị trí mà anh coi là huyệt đạo của đền Trung, nơi “hồn phách người Việt tụ về”. Đó là khoảnh đất bằng phẳng, với những tảng đá lớn nằm rải rác. Sau lưng núi là đỉnh Tản Viên, bên tả là dòng suối trong mát, trước mặt là sông Đà uốn lượn, cảnh đẹp tuyệt vời. Thủ nhang Võ Tùng Lâm vạch bụi cỏ, chỉ một cái hố, mà theo lời anh, đó chính là nơi những người lạ mặt táng hài cốt vào đó.
Chuyện xảy ra vào năm 2014, tháng 11 âm lịch, một buổi sáng, thấy tiếng chó sủa ầm ĩ ở khoảnh đất trước đền. Lúc đầu là một con chó sủa, sau thì vài con sủa ầm ĩ, khiến ai cũng thấy quái lạ. Nhưng, khu vực quanh đền nhiều rắn, nên có thể chó sủa rắn cũng là chuyện thường. Thế nhưng, một lúc sau, thì thấy trâu bò khắp nơi kéo đến, dễ vài chục con, cứ luẩn quẩn kêu rống trước đền.
Thấy sự lạ, thủ nhang Lâm đến tìm hiểu. Anh hết sức ngạc nhiên, khi thấy đàn chó và đàn trâu, bò có biểu hiện lạ, cứ đi quanh một mô đất thấp, với mấy hòn đá xếp khum khum phủ lên. Thi thoảng trâu bò lại húc đầu vào đống đá đó. Anh xua đuổi, nhưng đàn chó, trâu, bò nhất định không đi, cứ ì ra. Anh Lâm gọi thêm bảo vệ, rồi mọi người trong ban quản lý đuổi trâu, bò, chó, nhưng chúng nhất định không đi.
Thấy sự lạ, mọi người mới quan sát kỹ, và đặt nghi vấn với nấm đất xếp đá bên trên. Nghi có sự lạ, mọi người đã báo cáo chính quyền xã. Xã cử lực lượng công an lên xác minh, nắm tình hình. Sau khi làm đủ các thủ tục, thì ban quản lý đền Trung quyết định khai quật nấm đất lạ.
Gạt bỏ lớp đá, đến nấm đất tròn như cái thúng, thì ai cũng tin mới có người chôn thứ gì xuống lòng đất. Vết đào sâu, tròn như đào giếng, kè đá tầng tầng lớp lớp. Đào sâu độ 1,5m thì chạm tảng đá lớn. Không thấy gì, lại vướng tảng đá, nên mọi người định rút lui. Tuy nhiên, thủ nhang Võ Tùng Lâm không tin rằng, ai đó đào bới, lập ra cái nấm đất mà lại không bỏ cái gì xuống đó, nên đề nghị mọi người đào rộng ra.
Khi đào rộng ra, mới biết, phía dưới tảng đá vẫn là lớp đất xáo trộn, là đất mới. Đào sâu xuống phía dưới tảng đá khoảng 60cm, như cái hàm ếch, thì phát hiện tiểu sành cổ. Bên trong tiểu sành kiểu cổ là một bộ hài cốt. Đích thân thủ nhang Võ Tùng Lâm đã xếp lại bộ xương. Hài cốt là của cụ bà, có thói quen ăn trầu, đã gãy một răng cửa. Hài cốt lâu năm, xương mốc đen. Làm xong các thủ tục, thì chuyển hài cốt về nghĩa trang Đồi Trẩu của xã.
Từ bấy đến nay, công an không xác minh được thông tin gì thêm. Cũng không thấy ai quay về khu đất trước đền để hương khói. Ngôi mộ ở nghĩa trang Đồi Trẩu cũng không ai đến nhận.
Người đàn bà thả rắn
Trong vô vàn những câu chuyện lạ lùng, linh thiêng, thậm chí rợn tóc gáy ở đền Trung, thì có lẽ, chuyện ấn tượng nhất với thủ nhang Võ Tùng Lâm cũng như những người gắn bó với ngôi đền thiêng này, là chuyện về người đàn bà bí ẩn thả rắn.
Khu vực đền Trung rắn nhiều vô kể, ai gắn bó với ngôi đền này, thì đều đã có vô số lần chạm mặt rắn, mà toàn rắn to. Tuy nhiên, loài rắn trú ngụ quanh khu rừng này cực kỳ hiền lành, chưa từng tấn công ai bao giờ. Điều lạ, là thợ rắn cũng không bao giờ bén mảng đến khu rừng quanh đền để bắt rắn. Nhiều người có niềm tin rằng, hồn cốt của con rắn được Sơn Tinh cứu trong ngọc phả có lẽ quẩn quanh ở đây, mà kéo loài rắn về.
Kỳ lạ nhất là huyện một người đàn bà bí ẩn, năm nào cũng ít nhất một lần, đi trên chiếc xe hơi sang trọng, theo sau là chiếc xe tải, đến đền Trung. Người đàn bà này không chủ động tiếp xúc với ai, rất kín tiếng. Sau khi lễ Thánh xong, thì mấy người đi theo thả rắn từ xe tải ra khu rừng quanh đền. Mỗi lần bà ta thả cả tấn rắn, toàn là hổ chúa và hổ mang bành, nặng cả chục kg một con. Những con rắn rất khỏe, thả xuống, ngóc đầu lên là biến mất trong rừng.
Người phụ nữ kỳ lạ này đến đền lễ và thả rắn không vào thời điểm cố định nào cả. Bà đã làm việc này cả chục năm nay. Bà đến chớp nhoáng rồi đi mất.
Có một số lời đồn rằng, người Trung Quốc thời xưa thường trấn yểm bằng rắn độc. Các thầy phong thủy thường thả cả tạ rắn độc ở những huyệt đạo linh thiêng để trấn. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là lời đồn, không có căn cứ khoa học nào cả. Việc này, anh Lâm đã báo cáo chính quyền, nhưng không ai can thiệp hay tìm hiểu được, bởi đó là hình thức phóng sinh.