Vụ bé trai tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón hàng giờ đồng hồ, dưới trời nắng nóng, khiến dư luận bàng hoàng, xót xa.
Theo thông tin từ báo Lao Động, liên quan đến vấn đề xe kinh doanh chở học sinh phải gắn thiết bị cảnh báo, chống bỏ quên trẻ trên xe, Luật gia Nguyễn Thu Thủy, Công ty Luật TNHH YouMe cho biết:
Khoản 1, Điều 46 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh như sau:
1. Xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 35 của Luật này; có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ;
b) Xe ô tô chở trẻ em mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật.
Khoản 1 và Khoản 2 Điều 35 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) quy định về điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ như sau:
1. Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Được cấp chứng nhận đăng ký xe và gắn biển số xe theo quy định của pháp luật;
b) Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
2. Xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương phải lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
Như vậy, từ ngày 1/1/2025, xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe theo các quy định nêu trên.
Trước đó, vụ việc trẻ bị bỏ quên trong xe dẫn đến tử vong đã khiến dư luận vô cùng bàng hoàng, xót xa. Cụ thể, dẫn tin từ báo Dân Trí, cơ quan công an xác định 6h20 ngày 29/5, ông Nguyễn Văn Lâm (59 tuổi, trú tại phường Quang Trung, TP Thái Bình) điều khiển ô tô 29 chỗ cùng một giáo viên trường mầm non Hồng Nhung đón cháu H. và 9 học sinh khác đi học.
Khi đến trường, ông Lâm mở cửa ô tô cho giáo viên và các cháu học sinh tự đi vào lớp. Sau đó, tài xế điều khiển ô tô đỗ ở cổng trường rồi ra về.
Khi vào lớp, giáo viên lớp chụp ảnh điểm danh học sinh phát hiện vắng cháu H. nhưng không thông báo cho gia đình.
Đến khoảng 17h cùng ngày, anh T.Đ.A., cậu ruột của cháu đến đón và phát hiện sự việc cháu H. bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường. Hậu quả, cháu bé tử vong.
Ngày 29/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thái Bình khởi tố vụ án Vô ý làm chết người, để điều tra việc một trẻ mầm non đang theo học tại trường Mầm non Hồng Nhung 2, bị bỏ quên trên ô tô đưa đón dẫn đến tử vong.
Ngày 30/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thái Bình ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Phương Quỳnh Anh (38 tuổi, trú tại xã Vũ Phúc, TP Thái Bình), về tội Vô ý làm chết người. Quỳnh Anh là nhân viên trường Mầm non Hồng Nhung 2, địa chỉ tại xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình.
Ngày 31/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thái Bình khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Lâm (59 tuổi, lái xe đưa đón học sinh của trường Mầm non Hồng Nhung 2), trú tại tổ 1, phường Quang Trung về tội Vô ý làm chết người quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự.
Khởi tố bị can và ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Phương (58 tuổi, giáo viên trường Mầm non Hồng Nhung 2), trú tại thôn Đại Lai 2, xã Phú Xuân và Đoàn Thị Nhâm (26 tuổi, giáo viên trường Mầm non Hồng Nhung 2), trú tại tổ 4, phường Trần Lãm về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự.