Vụ việc hai bảo mẫu bạo hành bé trai 17 tháng tuổi dẫn đến tử vong tại điểm mầm non tự phát ở xã Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội) khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ trong nhiều ngày qua.
Theo thông tin từ Tạp chí Trẻ em Việt Nam, ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (Hội BVQTEVN) - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) phân tích, có rất nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan khiến bé trai 17 tháng tuổi bị hai bảo mẫu bạo hành dẫn đến tử vong tại điểm mầm non tự phát trên địa bàn xã Vạn Điểm.
“Tuy nhiên, một trong số đó chính là do sự thiếu hiểu biết, mất cảnh giác hoặc quá tin tưởng, sự phó mặc của cha mẹ, phụ huynh vào những nơi trông giữ trẻ tự phát. Ngoài ra, việc thiếu cơ sở giáo dục chính quy, khiến gia đình phải gửi con vào những địa điểm trông trẻ tự phát cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ việc thương tâm trên”, Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN nêu quan điểm.
Để tránh những trường hợp tương tự xảy ra, theo quan điểm của ông Hà Đình Bốn, điều đầu tiên và quan trọng nhất chính là gia đình, phụ huynh cần quan sát rõ và tìm hiểu thật kỹ lưỡng cơ sở giáo dục trước khi quyết định gửi trẻ.
Cũng về vấn đề trên, theo thông tin từ báo Sức khỏe & Đời sống, Ths. Nguyễn Mai Duyên chia sẻ, phụ huynh hãy đến tận nơi để có thể nhìn thấy về cơ sở vật chất hay môi trường..., lên lớp để nhìn cách các cô đối xử với con. Có nhiều khung giờ, các bậc cha mẹ có thể đến giờ chơi để nhìn sự bao quát của giáo viên với con hay đến vào giờ ăn để nhìn sự ân cần của cô với con.
Dưới góc độ tâm lý, chuyên gia tâm lý Hồng Hương khuyên rằng, để tránh những vụ việc đau lòng tương tự xảy ra, cha mẹ cần quan sát kỹ từ những thay đổi về mặt tâm lý của con để nhận biết kịp thời nếu con bị bạo hành tại cơ sở giáo dục.
“Thứ nhất, về mặt thân thể, cha mẹ cần quan sát con về khi tắm cho con, xem cơ thể của con có những vết bầm tím hay có vết thương nào không.
Thứ hai, với những trẻ đã biết nói, khi tắm cho con, cha mẹ có thể trò chuyện những nội dung xoay quanh một ngày đi học của con.
Một phần để tìm hiểu, một phần để tăng tính gắn kết giữa cha mẹ và con cái. Hãy hỏi con về những điều con hài lòng và không hài lòng khi đi học ở lớp. Từ đó, cha mẹ sẽ biết được những gì đã xảy ra với xúc cảm của con để kịp thời nhận biết những thay đổi của con.
Thứ ba, đối với những trẻ chưa biết nói, chưa biết cách diễn đạt, cha mẹ có thể quan sát thông qua cách con chơi và tương tác với đồ chơi. Cách con chơi với đồ chơi cũng có thể giúp cha mẹ nhận biết những điểm bất thường của trẻ. Bởi khi chơi đồ chơi, chính là lúc trẻ phản chiếu những gì đang diễn ra trong cảm xúc, những gì trẻ được nhìn thấy, nghe thấy", chuyên gia tâm lý Hồng Hương đưa ra lời khuyên.
Chuyên gia Hồng Hương cho biết thêm, cha mẹ phải có thời gian dành cho con, phải thực sự quan sát con trẻ vì khi sợ, trẻ sẽ có những biểu hiện rất rõ ràng, chỉ cần cha mẹ quan sát và chú ý trẻ hơn một chút là có thể dễ dàng nhận ra sự thay đổi của trẻ.
"Ví dụ, khi trẻ ngủ, những nỗi sợ, cú sốc lớn ở ban ngày có thể làm trẻ giật mình, có những biểu hiện của sự hoảng loạn trong giấc ngủ. Con trẻ nếu cha mẹ để ý, quan sát kỹ sẽ rất dễ nhận biết những điểm khác biệt.
Có những trẻ bỗng dưng sợ người lạ trong khi trước đó các bé đều bạo dạn, hay những hành vi bình thường cũng khiến con sợ như vậy, đó là dấu hiệu mà con có thể bị bạo hành rồi. Cha mẹ cần quan sát con để nhận ra những điều gì đó bất thường", chuyên gia tâm lý trao đổi.
Các chuyên gia tại Tổ chức Y tế Thế giới WHO chia sẻ, thông thường trẻ em sẽ không tự nói về việc mình bị bạo hành. Nguyên nhân là vì chúng thấy xấu hổ, hoặc lo lắng cha mẹ sẽ phạt lỗi vì không tự đứng dậy bảo vệ bản thân. Vậy nên, chúng ta cần phải chú ý đến 5 dấu hiệu trẻ bị bạo hành như sau để can thiệp kịp thời:
a. Cơ thể trẻ xuất hiện nhiều vết sưng, vết bầm tím
Đây chính là dấu hiệu dễ thấy nhất mà không một bậc phụ huynh nào được phép bỏ qua. Tuy cơ thể trẻ chưa phát triển toàn diện, xương khớp hay da dẻ còn non nớt… nhưng không thể tự dưng xuất hiện những vết bầm tím được.
Bỗng một hôm đi học về, cơ thể trẻ xuất hiện những vết sưng và bầm tím thì phải hỏi rõ ngay lý do. Các bậc phụ huynh có thể hỏi thêm giáo viên về tình trạng của con mình. Nếu là do trẻ ham chơi nên té ngã, va đập thì bạn cần bình tĩnh suy xét thêm các dấu hiệu khác.
b. Trẻ không chịu đi học, tự ý bỏ học
Trẻ không chịu đến trường, lười đi học là vấn đề hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu phản ứng của trẻ bỗng trở nên dữ dội, chẳng hạn như ôm chặt bố mẹ khi được đưa tới trường, giãy giụa gào khóc khi vào lớp hoặc chạy tới đòi về ngay khi vừa tan trường… thì phải cẩn thận bởi đây là dấu hiệu bất thường.
Nếu trẻ có những phản ứng trên, chắc chắn ở trường lớp đã phát sinh vấn đề gì đó khiến chúng sợ phải đi học. Lúc này hãy hỏi thăm cô giáo hoặc bảo mẫu để tìm ra nguyên nhân. Hoặc tâm sự mềm mỏng, nhẹ nhàng để trẻ chia sẻ vấn đề mà mình gặp phải.
c. Trẻ sợ sệt, không muốn tiếp xúc với ai
Những trẻ bị bạo hành thường có cảm giác sợ sệt và ngại giao tiếp với bất kỳ ai. Những đứa trẻ này giờ không còn vô tư, chạy nhảy nô đùa như trước mà giờ chỉ thu mình một chỗ, không muốn giao lưu với ai… Nếu con bạn có sự thay đổi như vậy thì hãy hỏi con hoặc tìm hiểu nguyên nhân xung quanh.
d. Tâm lý của trẻ thay đổi bất thường, có hành động quá khích
Những hành động như cắn móng tay, toát mồ hôi, nghiến răng… hay chống đối lại cha mẹ thường là dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp vấn đề về tâm lý. Việc trẻ bị bạo hành sẽ khiến chúng lo sợ và không thể làm chủ hành vi, gây nên những hành động bất thường mà trước đây trẻ chưa từng làm.
e. Trẻ bỗng trở nên bạo lực
Những đứa trẻ hay đập phá đồ vật, hành hạ động vật hoặc tự làm hại bản thân… thường đang mắc những vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Các chuyên gia chia sẻ, trẻ làm như vậy là vì gặp áp lực về tinh thần, khiến chúng không thể làm chủ hành vi. Cha mẹ nếu phát hiện thì phải can thiệp ngay kẻo ảnh hưởng xấu tới tuổi trưởng thành.
Trước đó, theo thông tin từ Zing, vào ngày 5/3, Công an huyện Thường Tín, Hà Nội, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị An (30 tuổi) và Nguyễn Thị Lành (31 tuổi) để điều tra về tội Giết người.
Theo lời khai, ngày 23/2, 2 bị can đưa các cháu vào buồng ngủ thì Đ. khóc, chạy ra ngoài cửa. Lành bực tức, dùng 2 tay bế Đ. lên rồi ném xuống làm đầu bé trai đập xuống nền nhà. Sau đó, nghi phạm tát nạn nhân. Cùng lúc này, An đạp vào bụng, ngực rồi đá và giẫm vào đầu cháu bé. Đến khoảng 16h30 cùng ngày, bố mẹ bé trai đến đón con thì 2 người này nói cháu bé bị ngã.
Sáng 26/2, An tiếp tục dùng chân đạp vào bụng Đ. khi thấy bé trai khóc khiến nạn nhân bất tỉnh. Sau đó, 2 bị can gọi gia đình cháu bé và cùng đưa nạn nhân đi cấp cứu. Đến chiều 1/3, nạn nhân được bệnh viện trả về. Sau đó một ngày, cháu bé tử vong.