Thời gian gần đây ngày càng có nhiều người bị rắn cap nia tấn công, những loài rắn này thường xuất hiện gần khu vực con người sinh sống khiến không ít người hoang mang.
Vào ngày 3/7 vừa qua, một nữ nạn nhân (SN 2000), trú tại xóm Yên Phú, xã Nghĩa Lâm,> Nghệ An đã bị rắn cạp nia cắn khi đang ngủ ở tầng 2. Nạn nhân đã tử vong 5 ngày sau đó dù được đưa tới bệnh viện chữa trị. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp duy nhất bị rắn cạp nia và cạp nong cắn trong thời gian gần đây.
Cụ thể, ngày 8/7, một cháu bé 5 tuổi (trú xã Hưng Đông, TP Vinh, Nghệ An) cũng bị rắn cạp nia cắn khi đi ra vườn. Rất may, em được đưa tới bệnh viện kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Vào ngày 10/7, một người đàn ông ở thị xã Thái Hòa, Nghệ An bắt được một con rắn cạp nia đang cố chui vào ống nước nhà vệ sinh của gia đình nên đã vây bắt và đập chết nó.
Có thể thấy, hiện tượng rắn cạp nia (có mày đen trắng) và rắn cạp nong (có màu vàng đen) đi vào nhà dân hay ở gần khu vực con người sinh sống tại Nghệ An ngày càng phổ hệ khiến rất nhiều người lo lắng.
Theo các chuyên gia, những con >rắn độc như cạp nia và cạp nong rất nhút nhát và cũng rất sợ con người, chúng thường tìm cách bỏ chạy hơn là chủ động tấn công vì con người vốn không phải là con mồi của các loài rắn độc. Tuy nhiên, vì có tập tính hoạt động về đêm nên chúng có thể bị con người vô tình giẫm phải và cắn trả tự vệ.
Thêm vào đó, nước ta vào mùa đông thì các loài rắn này thường ngủ và trú đông từ tầm tháng 11 đến tháng 2 năm. Tuy nhiên, khi hè đến, nhiệt độ tăng cao cũng là lúc các loài rắn hoạt động mạnh do chúng là loài động vật biến nhiệt. Ngoài ra, trên Tri thức trẻ, GS.PTS Đỗ Quang Huy cũng cho biết rắn cạp nong và cạp nia đều bơi rất giỏi (lặn sâu tới 10m trong 30 phút) và thường bò theo ánh lửa hay ánh sáng nên chúng thường bò gần khu vực nhà dân để tìm kiếm thức ăn.
Còn việc rắn hay bò vào điều hòa của nhà dân có thể là do vào mùa hè, người dân sử dụng điều hòa nhiều và đường ống thoát nước điều hòa là một nơi chúng vô cùng ưa thích. Hệ thống điều hòa còn là nơi chuột rất thích làm tổ, như vậy rắn cũng càng có lý do chui vào điều hòa để tìm kiếm thức ăn.
Còn việc rắn bò vào nhà vệ sinh cũng có thể hiểu là do thói quen "ưa nước" của rắn, chúng hay tìm những nơi có nhiều nước để uống và sinh sống. Vì vậy, những gia đình có cây cối rậm rạp, nhà vệ sinh ở ngoài thường sẽ được những con rắn này "ghé thăm".
Thế nên, để phòng rắn vào nhà, người dân có thể sử dụng bột sulfur hay Enta snake powder, bột hùng hoàng (tên khoa học là: arsenic sulfide)... rắc quanh nhà, diệt chuột thường xuyên. Ngoài ra, trồng một số loại cây đuổi rắn như cây nén, cây sả, hoa lan tỏi… cũng rất có hiệu quả
Theo thông tin trên trang Bệnh viện Trung ương quân đội 108, khi bị rắn cắn độc cần thực hiện các bước sơ cứu sau:
- Trấn an người bệnh.
- Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn).
- Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn (vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề).
- Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường), băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt.
- Dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập). Bắt đầu bằng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,...) cố định chân, tay bị cắn.
- Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.
- Có thể chích nặn rửa vết cắn dưới vòi nước sạch với xà phòng rồi sát trùng.
- Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..). Nếu có dấu hiệu ngừng tuần hoàn thì tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến.
- Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động, để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.…
- Chú ý: Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24-48 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.