5 năm sau ngày qua đời, cụ ông Mưu Quý Sường đã được trao quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự.
5 năm sau ngày qua đời, cụ ông Mưu Quý Sường (SN 1944, ở thôn Gốc Vối, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) đã được trao quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự Giết người, quyết định đình chỉ điều tra bị can. Từ đây, án oan “>giết vợ” đeo bám người đàn ông nghèo suốt 41 năm qua mới được hóa giải.
“Ông đã thanh thản ngậm cười nơi chín suối”
Ngày 8/1, căn nhà nhỏ của bà Vi Thị Cú (61 tuổi, ở thôn Gốc Vối, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) nhộn nhịp người ra vào, hỏi thăm, chúc mừng gia đình đã cởi bỏ được hàm oan đeo bám suốt mấy chục năm đằng đẵng. Nở nụ cười hiền hòa, bà Cú ngước mắt nhìn lên ban thờ chồng, ông Mưu Quý Sường khẽ nói: “Vậy là ông đã thanh thản ngậm cười nơi chín suối”.
Bà Cú là vợ thứ hai của ông Sường, bà gặp khi ông vừa ra tù, lại bị án giết vợ đeo bám. Kể về 30 năm gắn bó với chồng, thấu hiểu và cùng chịu đựng sự uất ức hàm oan; cực nhọc dồn công sức, tiền bạc để chồng đi kêu oan, bà Cú nước mắt rưng rưng.
Bà kể, bà gặp ông Sường năm 1988, khi ông vừa ra tù về, tay trắng và đơn độc vì nhà cửa, đất đai đã mất sạch trong quá trình 11 năm 4 tháng tù giam. Ngay cả hai con nhỏ của ông, người thân cũng đưa sang Trung Quốc nuôi như để né tránh người cha tù tội, mà lại là tội giết vợ, mẹ của hai con mình.
“Khi đó tôi đang góa bụa vì chồng mất sớm, để lại 4 đứa con thơ dại. Ông Sường hay đến quán nước của tôi ngồi chơi. Ông khóc vì tủi nhục, cô đơn, tay trắng. Tôi thương cảm hoàn cảnh của ông, ông cũng cảm thương tôi còn trẻ mà góa bụa nuôi 4 con dại, nên cả hai mảnh đời khốn khó quyết nương tựa vào nhau để sống, để nuôi 4 đứa trẻ”, bà Cú kể.
Quyết định của bà Cú vấp phải sự phản đối dữ dội của gia đình bà và nhà nội của 4 đứa trẻ, ai cũng lo ông Sường đã có tiếng mưu hại vợ. Nhưng từ ngày đó, bà Cú đã luôn tin tưởng ông Sường là người bị hàm oan, nên vẫn quyết tâm đến với nhau.
Năm 1989, ông bà sinh con trai đầu là Mưu Văn Lợi, tới năm 1990 thì sinh thêm con gái là Mưu Thị Thìn. Cùng với 4 con riêng của bà Cú, họ có 6 đứa trẻ. Ông Sường vất vả đủ nghề để nuôi đàn con, cuộc sống vô vàn cực nhọc, nhưng ông vẫn đau đáu ý định minh oan cho mình.
Ít năm sau, khi người bác bên chồng cũ bà Cú nhận đỡ đầu 4 đứa con riêng của bà sang Anh sinh sống, ông bà chỉ còn lo cho hai đứa con chung, cuộc sống đỡ vất vả hơn, ông bắt đầu thực hiện hành trình kêu oan của mình.
Hành trình ròng rã kêu oan
Bà Cú không nhớ nổi, đã bao lần ông Sường viết đơn kêu oan gửi đi những đâu. Chỉ nhớ, năm 2008, vợ chồng bà gặp được một người làm ở VKSND huyện Lục Ngạn và được hướng dẫn làm đơn kêu oan, gửi VKSND tỉnh Bắc Giang.
Trong đơn, ông Sường trình bày, tháng 9/1977, khi đó ông đang là Phó chủ nhiệm HTX Nội Thành (xã Trù Hựu), cuối ngày làm việc về nhà, ông không thấy vợ là bà Hoàng Thị Múi đâu nên tìm kiếm khắp nơi và phát hiện thi thể vợ ở con suối gần nhà. Ông nghĩ rằng trong lúc gánh phân ra đồng, khi qua cầu tre bắc ngang con suối, có thể bà Múi đã ngã và thiệt mạng nên cùng người thân đưa thi thể vợ về lo hậu sự.
Nhưng khi ông chưa kịp khâm liệm, làm đám tang cho bà Múi thì bất ngờ công an ập đến, đọc lệnh bắt ông vì nghi là thủ phạm sát hại bà Múi, mang xác xuống suối gần nhà dựng hiện trường giả. Sau đó, ông Sường bị giam giữ tại trại giam Kế suốt 7 năm 4 tháng nhưng cơ quan công an không ra kết luận điều tra và không có một phiên tòa nào diễn ra.
Trong thời gian ở tù, ông Sường được phân làm buồng trưởng buồng F3 và buồng giam này xảy ra vụ phạm nhân đánh nhau, ông bị khởi tố, phạt 4 năm tù giam nữa. Thời điểm ông bị bắt giam, con gái lớn của ông mới lên 5 tuổi, con trai bé mới 6 tháng tuổi. Tháng 4/1988, ông Sường được thả ra sau 11 năm 4 tháng tù giam, không nhà cửa, không con cái, bị kỳ thị vì cái án giết vợ.
“Nhà nghèo, cứ gom được vài đồng ông lại đón xe đi gửi đơn kêu oan. Có thời điểm mệt mỏi quá, tôi khuyên chồng bỏ cuộc, nhưng ông khóc, nói nếu không giải được hàm oan này, ông đến chết cũng không nhắm được mắt, các con lớn lên vẫn mang tiếng với người đời”, bà Cú nhớ lại.
Tháng 8/2008, vợ chồng bà nhận được văn bản trả lời của Công an tỉnh Bắc Giang, cho rằng theo quy định, vụ việc của ông Sường đã hết thời hiệu để xem xét yêu cầu giải quyết bồi thường.
Không nản chí, ông Sường tiếp tục đưa đơn đến các cơ quan tố tụng. Tháng 11/2008, VKSND tỉnh Bắc Giang lại có văn bản trả lời cho rằng, năm 1977 ông Sường bị Công an tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang) bắt giam oan sai vì tình nghi giết vợ là có cơ sở vì kết thúc điều tra mà cơ quan điều tra không có đủ căn cứ để kết luận ông phạm tội giết người. Tuy nhiên, Viện KSND tỉnh Bắc Giang cũng khẳng định việc bồi thường cho ông đã hết thời hiệu xem xét.
Hành trình ròng rã kêu oan chưa đi đến hồi kết thì năm 2013, ông Sường qua đời vì căn bệnh ung thư, với lời dặn vợ con tiếp tục kêu oan cho ông. Khoảng tháng 9/2016, cả gia đình đang ăn cơm thì trên tivi có bản tin về việc ông Trần Văn Thêm, 81 tuổi, ở Bắc Ninh, được minh oan sau 40 năm.
Ngay lập tức, bà Cú cùng con trai Mưu Văn Lợi tìm đến nhà ông Thêm và được gia đình cho số điện thoại của ông Nguyễn Văn Hòa, Phó giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi, người đại diện pháp lý của ông Thêm để nhờ kêu oan giúp. Đơn từ của gia đình sau đó được tiếp tục gửi tới các cơ quan tố tụng tại tỉnh Bắc Giang và Trung ương.
“Ngày 3/1 vừa qua, Công an tỉnh Bắc Giang đã trao quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can với chồng tôi. Tôi và con trai lập tức mang những văn bản này đặt lên bàn thờ thắp hương cho ông. Sau đó ngày 6/1, tôi đã làm lễ sang cát cho ông vẹn tròn”, bà Cú mỉm cười nói.
Ngày 3/1, Công an tỉnh Bắc Giang đã trao quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự Giết người xảy ra ngày 2/11/1977 tại thôn Gốc Vối, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với bị can Mưu Quý Sường cho người đại diện pháp lý và thân nhân ông Sường. Sắp tới, cơ quan có trách nhiệm sẽ tiến hành xin lỗi công khai đối với gia đình ông Sường theo đúng quy định của pháp luật.