Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng cao Nghệ An mang thai đến thời kỳ sắp sinh vượt biên sang bán con nơi xứ người.
Bán con để trả nợ
Mặc dù ngôi nhà sàn vẫn lụp xụp, nhưng Tết năm nay gia đình chị Lữ Thị P. (SN 1982, ở bản Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã có thêm một chiếc tivi. Rất nhiều người đã tới trong bản đã đến trầm trồ, những con người nghèo khổ chăm chú trước màn hình phẳng mà rất khó để có được nơi vùng cao khốn khó này. Đây chính là tài sản sau khi chị P. sang Trung Quốc >bán con đưa về.
"Sau khi có được 80 triệu đồng trở về, ngoài trả một phần nợ, gia đình còn sắm được một chiếc xe máy và tivi", chị P. nói. Khuôn mặt tươi tỉnh, cử chỉ hoạt bát nhanh nhẹn của P. khiến người ngoài nhìn vào không nghĩ người phụ nữ này vừa sinh con.
Vợ chồng chị P. vốn đã có 4 người con (3 trai và 1 gái). Cùng với việc xây ngôi nhà sàn, cả cuộc đời chị chìm trong nợ nần và khốn khó. Đầu năm 2018, chị P. tiếp tục có bầu thêm đứa thứ 5.
Thời điểm chưa biết nên làm thế nào, thì chị P. nhận được cuộc gọi từ một người trong xã hiện đang lấy chồng ở Trung Quốc bày cách bán đứa trẻ trong bụng để lấy 80 triệu đồng. Nghĩ rằng gia đình đã đông con, số tiền có được lại quá lớn, vì vậy sau khi bàn tính với chồng thì chị P. đồng ý.
Trung tuần tháng 8/2018, Lữ Thị P. đón xe ra Móng Cái (Quảng Ninh) khi thai nhi trong bụng đã được 8 tháng. Ở đây có người chờ sẵn rồi dẫn P. vượt biên sang Trung Quốc. Chị cũng không biết mình ở đâu, ngoan ngoãn theo người lạ đến một ngôi nhà nhỏ để sinh.
Được hơn 1 tháng thì P. trở dạ rồi được đưa đến bệnh viện. "Đó là một bé trai. Đẻ xong, họ bồng con đi luôn. Ở lại một vài tuần thì họ đưa cho tôi một bọc tiền rồi đưa về", chị P. nói.
Hỏi người mẹ có nhớ con không thì chị lắc đầu, hỏi có đem con đi bán nữa không thì chị P. trầm ngâm. Không phải vì chị hối hận, mà vì cán bộ xã xuống tuyên truyền và vận động nên giờ chị không dám làm nữa.
Thế nhưng không phải ai cũng được nhận tiền đầy đủ như chị P., rất nhiều phụ nữ sang Trung Quốc bán con đã bị quỵt tiền, chị Lương Thị M. (SN 1970, trú ở xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn) là một trong những nạn nhân.
Khi có người đến hỏi, chị M. bức xúc cho hay, đầu năm 2017, chị mang thai người con thứ 6. Lúc này, một người cùng bản vốn từng làm ăn ở Trung Quốc đến dụ dỗ chị bán con. Bằng những lời lẽ ngon ngọt, chị M. đã mu muội gật đầu đồng ý đi sang nước bạn bằng đường tiểu ngạch.
Chị M. sinh xong cũng chẳng kịp nhìn mặt con. Tuy nhiên, một thời gian sau sau những người này đến thông báo con chị đã chết, vì vậy họ chỉ trả 1/3 tiền như đã hứa. Trở về quê nhà, chị M. làm đơn tố cáo gửi lên cơ quan chức năng. Giờ đây, người phụ nữ này vô cùng hối tiếc trước việc mình làm, tiền mất mà con cũng chẳng được nuôi.
Không thể xử lý do thiếu chế tài
Ông Nguyễn Hữu Lượng, Chủ tịch xã Hữu Kiệm xác nhận, ba năm qua ở xã có 22 phụ nữ vượt biên qua Trung Quốc >bán bào thai, trong đó 21 người đã trở về địa phương. Trong đó, tập trung tại hai bản Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2, đây cũng là hai bản khó khăn nhất của xã.
"Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với những trường hợp này và họ đều thừa nhận. Có những trường hợp nói rằng có phần day dứt, song cũng có người thể hiện thái độ thờ ơ. Thực sự là những người lãnh đạo xã, chúng tôi rất đau xót nhưng chưa thể ngăn chặn", ông Lượng nói.
Theo vị chủ tịch xã, có 3 nguyên nhân dẫn tới tình trạng bán thai nhi. Một phần do trình độ dân trí còn thấp, kinh tế nghèo khó nên họ bán con để kiếm thêm thu nhập. Hai là công tác tuyên truyền pháp luật chưa làm quyết liệt, khiến bà con chưa tiếp cận đủ. Bên cạnh đó, hành vi bán con trong bụng mẹ không thể xử lý vì khó xác định được đứa bé ở đâu.
Liên quan sự việc, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng đây là một thủ đoạn mới của những kẻ buôn người. Nạn nhân chủ yếu là những người phụ nữ dân tộc thiểu số.
Thống kê cho thấy chỉ mới xảy ra ở đồng bào dân tộc Khơ Mú ở huyện biên giới Kỳ Sơn. Theo thống kê, trên địa bàn có 25 trường hợp phụ nữ mang thai bị dụ dỗ ra nước ngoài sinh nở rồi bán con.
Tuy nhiên, dù Công an Nghệ An đã nắm được tình hình nhưng khó xử lý vì vướng phải những kẽ hở trong các quy định của pháp luật. Cụ thể, trong Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 có 5 tội liên quan đến hành vi mua bán người nhưng không nhắc đến việc mua bán bào thai.
Giải pháp trước mắt là Công an Nghệ An đang tích cực đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, đặc biệt là đối với khu vực đồng bào thiểu số tại vùng cao, nơi có nhiều bà con dân tộc Khơ Mú sinh sống để người dân không sang Trung Quốc sinh đẻ rồi bán trẻ sơ sinh. Cùng với đó, tập trung đánh mạnh vào tội phạm mua bán người, nhằm chặt đứt những "chân rết", đường dây mua bán người qua bên kia biên giới.
Đặc biệt, mới đây Công an tỉnh cũng vừa có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao để xin ý kiến hướng dẫn xử lý tình trạng buôn bán bào thai.