Bà Nguyễn Thị Tuyền - Trưởng Ban Đại diện Cha mẹ học sinh (BĐD.CMHS) lớp 4.3 - là 1 trong 4 người có mặt chứng kiến cô giáo Bùi Thị Cẩm Nhung "quỳ xin lỗi" tại văn phòng Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Bình Chánh vào sáng 28.2. Bà Tuyền đã thuật lại với PV Lao Động diễn biến sự việc.
Chúng tôi ghé tìm bà Tuyền tại một ngôi nhà đơn sơ ở gần Trường Tiểu học Bình Chánh lúc bà đang tất bật bán đồ ăn vặt cho học sinh của trường vào giờ tan học. Khi đã hết khách, bà niềm nở tiếp chuyện với chúng tôi. Bà Tuyền cho biết, bà có đứa con gái học lớp 4.3, ở Đại hội Cha mẹ học sinh (CMHS) lớp 4.3 đầu năm học, bà được bầu làm Trưởng BĐD của lớp, sau đó được bầu vào BĐD.CMHS của trường.
Bà Tuyền cho hay, trước khi cô Nhung về, lớp 4.3 do thầy L phụ trách. Thầy L là người vui vẻ, dễ tính, học trò khá thoải mái. Khi cô Nhung về phụ trách lớp 4.3 thay thầy L vào cuối tháng 1.2018, bà có nghe CMHS phản ánh việc cô khá nghiêm khắc, hay xử phạt học sinh (hình thức quỳ gối). Bà chưa kịp gặp cô Nhung để góp ý, thì ngày 28.2 vợ chồng ông Võ Hòa Thuận (có con học lớp 4.3) bảo với bà là con của họ sợ bị phạt nên không dám đi học. Vợ chồng ông Thuận kêu bà cùng vào trường để phản ánh, cùng đi có ông Trưởng BĐD.CMHS trường và một CMHS khác của lớp 4.3.
Vào đến văn phòng BGH, sau khi nghe CMHS yêu cầu, thầy hiệu trưởng Huỳnh Công Sơn và cô Nhung đã tiếp các CMHS. Ông Thuận bức xúc hỏi cô Nhung có hay không chuyện cô phạt học sinh bằng cách quỳ gối trên ghế. Cô Nhung chỉ im lặng.
Thầy hiệu trưởng đã đứng ra thay mặt nhà trường và cô Nhung xin lỗi vợ chồng ông Thuận và các CMHS. Nhưng ông Thuận cũng chưa nguôi, ông nói cô Nhung hãy quỳ thử cho biết cảm giác khổ sở của học sinh như thế nào, nhưng thầy Sơn không cho. Thậm chí, thầy Sơn còn nói, nếu ông Thuận muốn, chính thầy sẽ quỳ xin lỗi, chứ đừng yêu cầu cô Nhung.
Cuộc làm việc tiếp tục, nhà trường và cô Nhung cam kết sẽ không để tái diễn chuyện bắt học sinh quỳ. Các CMHS chấp nhận, nhưng yêu cầu thêm cho gắn camera để giám sát, do chính họ tự bỏ tiền trang bị. Đến đây thì thầy Sơn báo tới lúc phải đi dự giờ. Ông Trưởng BĐD.CMHS trường cũng nói có chuyện nên về trước.
Lúc này, ông Thuận lập lại yêu cầu lúc nãy là cô Nhung nên quỳ để biết nỗi khổ của các học sinh. Ông Thuận lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy. Cô Nhung hỏi: "Các anh chị muốn tôi quỳ bao lâu?". Ông Thuận trả lời: "Cô bắt học sinh quỳ bao lâu thì cô quỳ như thế". Cô Nhung đã lẳng lặng quỳ trên ghế ngồi dành cho giáo viên.
Lúc này, bà Tuyền có việc nên đi khỏi trường. Một lúc sau, bà quay lại, thấy cô Nhung vẫn quỳ. Bà khuyên ông Thuận nên để cô Nhung ngồi xuống và ông Thuận đã đồng ý.
"Thật lòng, khi nghe chuyện cô Nhung vi phạm đạo đức nhà giáo, bắt học trò quỳ gối, tôi rất giận. Nhưng khi nhìn thấy cô quỳ gối xin lỗi, tôi rất thương và ân hận. Nên sau đó, tôi và ông Thuận đã xin lỗi cô", bà Tuyền nói.
Kết thúc câu chuyện, bà Tuyền nói: "Trong chuyện này ai cũng có lỗi, từ CMHS chúng tôi, đến cô Nhung và cả thầy hiệu trưởng. Lỗi của ai thì người đó phải nhận và rút kinh nghiệm. Vấn đề quan trọng là làm sao để cô Nhung sớm ổn định tinh thần, để chuyện học của lớp 4.3 và cả trường Bình Chánh không bị ảnh hưởng. Người lớn đã sai, đừng để trẻ nhỏ phải chịu hậu quả!".