Bà Đào Thị Hương Lan - cựu Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM vào ngày 18/1/2019 bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can, nhưng bà này đã rời khỏi nơi cư trú. Ngoài việc khám xét nhà bà Lan tại quận 2, TP.HCM, Bộ Công an cũng đã phong tỏa số tiền hơn 50.000 USD trong tài khoản của bị cáo.
Theo nguồn tin từ Tiền Phong, vào sáng 15/3, TAND TP.HCM sẽ xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với ông Nguyễn Thành Tài (69 tuổi, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM), bà Dương Thị Bạch Diệp và 8 đồng phạm do sai phạm trong việc hoán đổi >nhà đất số 57 Cao Thắng (Q.3) lấy nhà đất 185 Hai Bà Trưng (Q.3, TP.HCM) gây thiệt hại của nhà nước hơn 186 tỉ đồng.
Trong đó, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (72 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH >bất động sản Diệp Bạch Dương) bị truy tố về tội >lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Nguyễn Thành Tài và 8 bị can còn lại bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, gồm: Trần Nam Trang (nguyên Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM), Vy Nhật Tảo (Giám đốc Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM), Nguyễn Thành Rum (nguyên Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM), Lê Tôn Thanh (nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT-DL), Lê Văn Thanh (nguyên Phó chánh Văn phòng UBND TP.HCM), Huỳnh Kim Phát (nguyên Phó chánh Văn phòng UBND TP.HCM), Nguyễn Thanh Nhàn (nguyên Phó giám đốc Sở TN-MT), Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở TN-MT).
Ngoài ra, trong vụ án này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã có Quyết định khởi tố, Lệnh bắt tạm giam (ban hành vào đầu năm 2019) đối với bà Đào Thị Hương Lan - cựu Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” theo quy định tại Khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo Cơ quan điều tra, bà Lan đã có hành vi chỉ đạo, tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty Diệp Bạch Dương hoán đổi với tài sản Nhà nước trái với Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ và trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước.
Tuy nhiên bà Đào Thị Hương Lan đã bỏ trốn từ trước nên Cơ quan điều tra đã ban hành Quyết định truy nã đối với cựu Giám đốc Sở Tài Chính. Hiện chưa bắt được bị can Lan nên cơ quan điều tra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can và sẽ phục hồi điều tra, xử lý sau.
Quá trình điều tra, ngoài việc khám xét nhà bà Đào Thị Hương Lan tại quận 2, TP.HCM, Bộ Công an cũng đã phong tỏa số tiền hơn 50.000 USD trong tài khoản của bị cáo.
Theo cáo trạng, nhà đất 185 Hai Bà Trưng là tài sản Nhà nước, được giao cho Trung tâm ca nhạc nhẹ (trực thuộc Sở VH-TT-DL TP) làm trụ sở. Trung tâm này được hoán đổi cho Công ty Diệp Bạch Dương của bà Bạch Diệp, đổi lại bà Diệp đưa cho Trung tâm ca nhạc nhẹ thửa đất tại 57 Cao Thắng (quận 3, TP.HCM) và hỗ trợ Trung tâm ca nhạc nhẹ tiền xây dựng Trung tâm mới ở địa chỉ 57 Cao Thắng.
Được sự "giúp sức" của loạt cán bộ liên quan của TP.HCM, bà Diệp nhận được giấy chứng nhận đất 185 Hai Bà Trưng rồi mang đi thế chấp cho ngân hàng vay 160 tỷ đồng; thế chấp đất 57 Cao Thắng, vay và còn dư nợ ngân hàng Agribank số tiền là 2.904 tỷ đồng...
Trong vụ án này, ngoài các bị cáo và đang truy nã bà Lan, Cơ quan Cơ quan điều tra cũng cho rằng cựu Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân là người đứng đầu, Trưởng Ban chỉ đạo 09, ông Quân chấp thuận về chủ trương, giao cho ông Tài chỉ đạo thực hiện việc hoán đổi.
Vào thời điểm làm thủ tục hoán đổi khu đất, ông Tài gặp ông Lê Hoàng Quân (lúc này là Chủ tịch UBND TPHCM) để xin ý kiến. Ông Quân đã chấp thuận cho thực hiện việc hoán đổi nhưng phải thông qua Sở Tài chính - Ban chỉ đạo 09 đề xuất. Ông Tài liền chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện việc này.
Sau khi thống nhất việc hoán đổi, Công ty Diệp Bạch Dương nhận mặt bằng 185 Hai Bà Trưng và giấy tờ liên quan nhưng bà Diệp không bàn giao giấy tờ nhà đất tại 57 Cao Thắng cho Trung tâm ca nhạc nhẹ. Sau đó Công ty Diệp Bạch Dương yêu cầu hủy việc hoán đổi. Sở Tài chính TP.HCM đã làm văn bản gửi lãnh đạo TP.HCM đề xuất không thu thêm khoản tiền hơn 4 tỷ đồng được xác định là tiền chênh lệch quyền sử dụng đất.
Ông Lê Hoàng Quân lúc đương chức Chủ tịch UBND TP.HCM, vào tháng 1/2013 đã chủ trì cuộc họp với các phó chủ tịch UBND TP.HCM cùng các sở, ngành. Tại đây ông Quân với danh nghĩa Chủ tịch UBND TP.HCM kết luận: Chấp nhận hoàn trả 5 tỷ đồng cho Công ty Diệp Bạch Dương, yêu cầu công ty này nộp hơn 4 tỷ đồng tiền chênh lệch quyền sử dụng đất; Yêu cầu Sở TN&MT TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 185 Hai Bà Trưng cho Công ty Diệp Bạch Dương.
Bà Diệp đưa thông tin gian dối để chiếm đoạt khu đất 185 Hai Bà Trưng, ông Lê Hoàng Quân tin tưởng các đơn vị chức năng đã kiểm tra nội dung này nên đã chấp thuận hoán đổi tài sản.
Được biết, Phiên xử do chánh tòa hình sự TAND TP.HCM – Phạm Lương Toản làm chủ tọa; đại diện Viện KSND TP.HCM tham gia phiên tòa gồm 3 kiểm sát viên: Lê Thị Đông, Phạm Văn Hiền, Trịnh Thị Lan Anh.