Người đàn ông 65 tuổi cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược do nôn, nước tiểu đỏ sậm sau khi ép một kg khế lấy nước uống.

10:09 17/01/2019

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tổn thương thận cấp do uống quá nhiều nước ép khế. Sau vài ngày >chạy thận nhân tạo, bệnh nhân xuất viện trong tình trạng chức năng thận đã hồi phục hoàn toàn.

Người bệnh không có tiền sử về bệnh thận. Trước đó, ông đã ép một kg khế để "uống cho khỏe" theo chỉ dẫn trên trang mạng.

Bác sĩ đang thăm khám cho người bệnh tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo thống kê, tại Việt Nam có khoảng hơn 10 triệu người bệnh thận mạn. Trong đó, khoảng 26.000 người suy thận mạn tính giai đoạn cuối và mỗi năm có gần 8.000 ca mắc mới. 

Bác sĩ Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa Nội thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết mỗi năm có khoảng 30.000 lượt người bệnh đến khám và điều trị bệnh thận tại bệnh viện.

"Nguyên nhân dẫn đến tình trạng báo động trên do tâm lý chủ quan với những biểu hiện ban đầu, dẫn đến bệnh ngày càng nặng. Đa số người bệnh đều nhập viện trong tình trạng muộn", bác sĩ Thảo nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, trong giai đoạn sớm, bệnh không có triệu chứng rõ ràng và chỉ được phát hiện qua xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm. Đến giai đoạn muộn, người bệnh có biểu hiện nôn, chán ăn, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, tiểu ít, đau cơ, phù chân, tràn dịch màng bụng và màng phổi...

Bệnh nhân mắc bệnh viêm cầu thận, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh thận tắc nghẽn, di truyền, nhiễm độc do thuốc, dùng thuốc tùy tiện, dùng thuốc giảm đau kéo dài là nguyên nhân gây bệnh suy thận.

Suy thận mạn ảnh hưởng nghiêm trọng tới >sức khỏe, tinh thần, gây ra những biến chứng nguy hiểm như loét đường tiêu hóa, co giật, hôn mê, xuất huyết não, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, suy tim... Người bệnh bị giữ nước gây phù phổi, huyết áp cao. Nồng độ kali trong máu tăng đột ngột có thể làm giảm chức năng tim và đe dọa tính mạng.

Bác sĩ Thảo cho biết suy thận được chia làm 5 giai đoạn. Ở các giai đoạn từ 1, 2, 3, 4, nếu được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị, người bệnh có thể kéo dài thời gian bảo tồn trong 5 đến 10 năm, trì hoãn giai đoạn lọc máu định kỳ.

"Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn 5, bệnh nhân phải ghép thận hoặc lọc máu định kỳ. Nếu không, suy thận mạn giai đoạn cuối có thể gây nguy hiểm đến tính mạng", bác sĩ Thảo nhấn mạnh.

Các biện pháp điều trị thay thế thận hiện nay bao gồm >chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và ghép thận. Người bệnh giai đoạn cuối, dưới 65 tuổi không mắc bệnh ung thư hoặc viêm nhiễm mạn tính (lao, viêm gan...) nếu tìm được một quả thận phù hợp đều có thể ghép thận.

Để phòng tránh bệnh, bác sĩ Thảo khuyên người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, thường xuyên khám sức khỏe định kỳ. Nếu mắc bệnh, cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự ý điều trị. Kiểm soát chế độ ăn uống hằng ngày, hạn chế ăn mặn, tập thể dục thể thao, kiểm soát bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường.

Theo Cẩm Anh/VnExpress