Chỉ với "phần nổi" được tranh chấp tại Tòa, theo tính toán sơ bộ, mức án phí mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo có nghĩa vụ phải nộp có thể lên đến hơn 8,4 tỷ đồng.
Mức án phí sơ thẩm được quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án (Nghị quyết 326).
Theo đó, đối với tranh chấp tài sản trong vụ án dân sự có giá trị tài sản tranh chấp trên 4 tỷ đồng, mỗi bên sẽ phải nộp tiền án phí cho Nhà nước là 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4 tỷ đồng.
Tại phiên tòa xét xử vụ ly hôn giữa Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, phía ông Vũ đưa ra con số tổng giá trị tài sản tranh chấp khoảng 8.379 tỷ đồng, bao gồm >bất động sản, tiền mặt, vàng, cổ phần.
Trong đó, phần tài sản chung giá trị nhất là cổ phần chung tại hệ thống 7 công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên gồm: CTCP Đầu tư Trung Nguyên, Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty CP cà phê Trung Nguyên, Công ty CP hòa tan Trung Nguyên, Công ty CP Trung Nguyên Franchise, Công ty TNHH du lịch Đặng Lê, Công ty TNHH Đắk Nông.
Dựa trên kết quả thẩm định của công ty thẩm định tài sản do tòa trưng cầu thì số cổ phần trên trị giá 5.654 tỷ đồng.
Căn cứ theo quy định tại Nghị quyết 326 nói trên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo mỗi người sẽ phải nộp mức án phí sơ thẩm ly hôn theo công thức: 112 triệu đồng + 0,1% của 8.375 tỷ đồng (trong đó, 8,375 tỷ đồng là kết quả của 8.379 tỷ đồng – 4 tỷ đồng).
Một tình tiết cũng hết sức đáng lưu ý khi tranh luận tại tòa về tài sản chung, ông Vũ tố bà Thảo dùng quyền lực điều khiển, chi phối nhiều việc trong công ty. Số tài sản trong ngân hàng được đưa vào hồ sơ để phân chia trong vụ án ly hôn chỉ là "bề nổi".
Tuy nhiên, chỉ với "phần nổi" được tranh chấp tại Tòa, theo tính toán sơ bộ, mức án phí mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo có nghĩa vụ phải nộp có thể lên đến hơn 8,4 tỷ đồng.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội - về nguyên tắc, việc phân chia tài sản khi ly hôn chỉ được đặt ra khi hai bên còn yêu cầu ly hôn và tòa án chấp nhận cho ly hôn.
Nếu cả hai bên không còn yêu cầu ly hôn hoặc tòa án không chấp nhận cho ly hôn thì việc chia tài sản sẽ không đặt ra nữa, hoặc tòa án cũng có thể giải quyết cho ly hôn, còn vấn đề tài sản sẽ tách ra giải quyết trong một vụ án khác...
Do đó, Tòa án luôn khuyến khích các đương sự tự thỏa thuận về việc phân chia tài sản, nếu không tự thỏa thuận được thì tòa án mới giải quyết.
Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc phân chia tài sản cần đảm bảo các tiêu chí như: Xứng đáng với công sức trong việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản; Đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, >đời sống của người lao động, quyền lợi của cổ đông, của đối tác và các lợi ích của xã hội, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các con.
"Để thỏa thuận được về tài sản, thì mỗi bên phải chịu thiệt một chút mới có thể thỏa thuận được. Với các đương sự trong vụ án này, một vài trăm tỷ với họ không phải quá lớn.
Bởi thế cứ ăn thua với nhau, chi ly với nhau thì rất khỏ thỏa thuận, vụ án sẽ kéo dài, tốn kém, tổn thương và gây hệ lụy cho nhiều người.
Còn quyết định thế nào là do ông Vũ và bà Thảo, nếu hai người không nhượng bộ thì đành phải chờ phán quyết của Tòa án." Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Theo kế hoạch, chiều 01/03/2019 TAND TP.HCM sẽ công bố phán quyết cuối cùng về vụ ly hôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, khép lại 3 năm kéo dài với những tranh chấp và hòa giải bất thành.