Ngày bà Út mất, ông Bùi Trung Nhơn (56 tuổi) từng có ý định cho 2 đứa con nghỉ học vì gánh hàng chẳng đủ nuôi sống gia đình. Ấy vậy, cả 2 đứa trẻ vẫn giấu cha đến trường.

Thanh Thủy (TH) 11:17 11/12/2021

3 NĂM TRỜI VẪN KHÓC KHI NHỚ VỀ NGƯỜI VỢ QUÁ CỐ

Buổi sáng của một ngày cách đây 3 năm, bà Út thức dậy thì đầu đau như búa bổ. Hôm đó, ông Nhơn toang nghỉ một buổi đi bán để đưa bà vào viện. Thế nhưng, bà Út vẫn một mực từ chối: "Thôi tôi ghét uống thuốc Tây lắm, từ từ rồi cũng hết".

Ấy vậy, 10 ngày sau căn bệnh của bà ngày càng trầm trọng hơn, ông Nhơn đưa vào viện thì bác sĩ đã chẩn đoán bà bị u não, không còn khả năng cứu chữa.

Suốt 20 ngày sau đó, bà Út bỏ ăn, người gầy rộp xương. Đến sáng ông Nhơn thức dậy, người vợ đã đột ngột qua đời trên giường bệnh.

"Ngày đầu bà mất tui như người mất hồn. Lúc đó, cuộc sống này chẳng còn gì quan trọng nữa, bán ế bán đắt cứ mặc kệ thôi. 3 năm trời rồi, có người hỏi tui còn nhớ bà không? Tui nhớ nhiều lắm, như ngày đó vừa mới hôm qua vậy" - ông Nhơn nhớ lại.

Buôn bán ế ẩm, ông Nhơn chỉ dám nấu 9 ly chè, nhưng có ngày vẫn bán không hết. Ảnh: Trúc Ly

Từ hôm đó, căn nhà bé nhỏ trên đường Võ Văn Tần (Q.3, TP.HCM) của ông Nhơn đã vắng bóng đi một người vợ. Hằng ngày, trước khi ra khỏi nhà, ông đều tỉ mẩn đốt nén hương, rót ly nước mời bà. Hơn 3 năm, chưa một ngày nào ông quên nghĩa vụ ấy đối với người vợ quá cố. 

Một thời sau, xe đồ chơi trẻ em cũng chẳng còn kiếm đủ tiền để ông Nhơn cho 2 đứa con học hành đến nơi đến chốn. Một hôm ông lên tiếng: "Giờ cha đuối sức rồi, các con có thể nghỉ học", 2 đứa trẻ lặng nghe cha. Thế mà, suốt thời gian dài, 2 đứa vẫn cố gắng xin họ hàng, người thân để có tiền tiếp tục đến trường.

"Giờ thằng nhỏ đã học sang 11, đứa lớn thì 20 tuổi đang là sinh viên năm nhất. Hai đứa nhỏ vậy mà thương tui với ham học lắm" - ông kể thêm.

 

Hình ảnh của ông được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người xúc động

3 tháng trước khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại TP.HCM, ông Nhơn bèn nảy ra ý chở thêm thùng chè phía sau xe để bán kèm.

Nghĩ là làm, sáng sơm ông đi chợ, nấu nồi hết 3 tiếng đồng hồ rồi buổi chiều chạy xe đi bán dọc con đường Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Cách mạng tháng Tám… Thế nhưng, khách vắng, có ngày ông nấu 9 ly mà chỉ bán được 3-4, lời chưa tới 30.000 đồng.

"GIỜ ƯỚC MONG CŨNG CHẲNG CÓ GÌ CAO SANG"

Tháng 10, thành phố mở cửa trở lại, ông Nhơn vẫn đậu xe chè quen thuộc ở góc đường. Sau khi đoạn clip quay lại câu chuyện về> cụ ông bán chè nuôi 2 con ăn học bỗng gây sốt khắp mạng xã hội, hạnh phúc lại được viết tiếp với ông Nhơn.

Nghe lời người quen, 2 ngày hôm sau ông Nhơn đã mạnh dạn nấu 36 ly chè. Thế nhưng chỉ cần chạy xe ra góc đường, trong vòng 50 phút tất cả đã hết sạch.

"Tui già rồi, cố lắm cũng chỉ được bao nhiêu đó thôi. Ra đó thì mấy cô chú anh chị, đông lắm, ai cũng phụ tui giúp một tay lấy đá, bỏ bọc, cho thêm tiền nữa… Người ta tới muộn còn hẹn tôi hôm sau sẽ quay lại để ủng hộ tiếp khiến tui vui mừng lắm!".

 

Nhờ sự giúp đỡ MTQ ông lão đã có cuộc sống mới tốt hơn. Ảnh: Samlacareview

 

Hàng chục người đã ghé tới ủng hộ ông lão

Nhắc đến cuộc sống, ông Nhơn bảo dù cả đời nghèo khó, nhưng ông chưa bao giờ thấy chán nản, buồn rầu. Ngay cả con xe chè, để thêm phần xinh động mà ông Nhơn tự thiết kế bảng hiệu với cái màu sắc để làm "màu" con xe chè mình.

"Tui bán chè, có ngày được ngày không, nhưng vui thôi à cậu ơi! Giờ ước mong cũng chẳng có gì cao sang. Chỉ cần mỗi ngày có thể bán được 36 ly chè để có nuôi đứa con trai học hết cấp 3, vậy thôi à…" - ông lão cười.

Theo Huy Hậu/Tổ Quốc