Ông Giản tâm sự, bản thân ông cũng xuất thân từ cảnh nghèo khó, phải chạy ăn từng bữa nên hiểu được khó khăn của bà con trong dịch bệnh và muốn giúp đỡ.
Sáng sớm 12/12, ông Lê Tuấn Giản (78 tuổi, thường gọi ông Tư) - một chủ trọ tốt bụng ở Sài Gòn đã tặng tiền cho người lao động trong khu trọ hẻm 147 đường Lê Đình Cẩn, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM.
Đồng cảm với những người lao động khổ sở
Trò chuyện với phóng viên Dân Việt ông Giản tâm sự: "Phải sống cùng người lao động mới thấy được cái khó khăn của người ta. Mình đồng cảm với những người lao động khổ sở, đủ thứ khó khăn, mỗi lần nghĩ tới là chảy nước mắt".
Ông Giản được nhiều người lao động sống trong khu nhà trọ của mình đánh giá là một người rất hiền lành. Ông luôn quan tâm hỗ trợ những người thuê phòng trọ của mình khi gặp khó khăn kể cả khi không có dịch Covid-19.
Ban đầu, lúc dịch Covid-19 mới bùng phát ông giảm gần một nửa tiền nhà trọ, ông cho thuê phòng giá 1.300.000 đồng giảm còn 600.000 đồng.
Tuy nhiên, đến khi TP.HCM chính thức ban hành Chỉ thị 16, ông giảm 100% tiền nhà trọ cho những công nhân, người lao động nghèo đang thuê phòng nhà ông.
Theo báo Thanh Niên, ông Giản không phát tiền tự phát mà đã liên hệ với tổ trưởng của các khu phố, lập danh sách những người khó khăn và phát phiếu cho họ từ hôm trước, sáng nay người nhận chỉ cần mang phiếu đến khu trọ của ông để nhận tiền.
"Sau đợt dịch Covid-19 này, người ta bắt đầu đi làm lại để trả nợ nần, kiếm sống nhưng mưu sinh cũng khó khăn lắm, vật giá thì tăng mà lương thì cũng vậy. Thương lắm mấy người lao động lúc này, phải chật vật mưu sinh", ông tâm sự với báo trên.
Thật may mắn là ông Giản có một người con gái luôn ủng hộ mọi quyết định của cha. Khi ông ngỏ ý với con gái, mong con hỗ trợ số tiền để có thể giúp đỡ cho những người khó khăn, con gái đã đồng ý ngay.
Sáng 12/12, ai nấy đến xếp hàng nhận tiền từ ông Giản đều vui tươi cười nói. Bà Nguyễn Thị Giàu, sống ở dãy trọ cách nhà ông Tư hơn 100m là một trong những người tới sớm nhất xếp hàng chờ nhận tiền.
"Chồng tôi làm thợ hồ, cuối năm ngoái té từ lầu 1 xuống bị gãy cột sống, giờ không làm gì nặng được hết. Qua dịch mọi thứ lại khó khăn hơn nên được chú Tư cho tiền là mừng lắm. Tết năm nay chắc nhà tôi không về quê, tại đâu có tiền, chú giúp vậy tôi thấy ấm lòng quá", bà bộc bạch khi được PV hỏi chuyện.
"Cảm ơn chú Tư nhiều lắm! Chúc chú >sức khỏe!", bà Phạm Thị Tây Hữu (72 tuổi) cười tít mắt nói.
Trong buổi sáng 12/12, ông Giản đã phát 120 triệu cho người lao động trong khu phố. Nhìn nụ cười hạnh phúc của mọi người, ông không giấu được xúc động. “Bất kể khi nào có điều kiện, tôi vẫn sẽ tiếp tục làm như vậy thôi”, ông khẳng định với PV Thanh Niên.
Ngày nào còn khỏe thì tôi còn giúp đỡ bà con
"Ông chủ trọ dễ thương siêu cấp" là biệt danh của ông Giản trong mắt những người thuê trọ. Trao đổi với PV Dân trí, ông tâm sự, động lực lớn nhất để ông hết mình hỗ trợ bà con là bởi ông từng khổ nên ông hiểu và thương cho cái khổ của mọi người.
Ông vốn quê ở Quảng Ngãi nhưng quyết định lập nghiệp ở quê vợ là Bến Tre. Song nhiều năm làm lụng thuê mướn khắp nơi vẫn nghèo nên ông quyết định về mảnh đất phồn hoa TP.HCM kiêm sống.
32 năm trôi qua, ông lần lượt nuôi 6 người con ăn học thành tài. Ở tuổi xế chiều, khi đã có của ăn của để, ông Giản thấy mình cần phải hỗ trợ, giúp đỡ những ai đang lâm vào cảnh khốn khó như mình thời trẻ.
"Ngày nào còn khỏe thì tôi còn giúp đỡ bà con", ông Giản khẳng định với nguồn trên.
Cũng vì thương người, "ham" giúp đỡ mà ngày nào ông cũng tất bật khi phát gạo, phát rau thay tổ trưởng đang đi cách ly, khi chạy đôn chạy đáo lên phường xin trợ cấp cho bà con trong xóm trọ bị sót tên. Có hôm, đến tận 2 giờ chiều ông Giản vẫn chưa có gì trong bụng dù nay ông đã gần 80 tuổi.
Ông cũng chia sẻ mình, là người hay trăn trở, phiền lòng trước "nhân tình thế thái", cũng không hiểu tại sao, là đàn ông nhưng mình lại có cái tính "mau nước mắt" - "Cứ nghe ai kể chuyện gì xúc động là nước mắt tôi lại trào ra", ông Giản tâm sự với PV Dân Trí.
Có lẽ vì thế mà khi thấy bà con trong xóm trọ của mình khó khăn, ông đồng cảm, yêu thương, sẵn sàng bỏ qua nỗi lo toan về bệnh tật, tuổi già để hết lòng giúp đỡ mọi người.