Nhiều trường hợp người lao động thường xuyên đổi việc dẫn đến việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) ngắt quãng. Vậy điều này có ảnh hưởng gì tới lương hưu và quyền lợi của người lao động không?
Đóng >BHXH ngắt quãng có được cộng dồn không?
Theo Khoản 5 Điều 3 Luật BHXH, trường hợp người lao động đóng BHXH không liên tục thì thời gian đóng sẽ được tính bằng tổng thời gian đã BHXH.
Thời gian đóng BHXH là căn cứ hưởng chế độ bảo hiểm của mỗi người lao động được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm cho đến khi dừng đóng và cộng dồn các khoảng thời gian đã đóng BHXH mà chưa hưởng BHXH một lần.
Theo đó, người lao động không bắt buộc phải đóng BHXH một cách liên tục. Dù đóng ngắt quãng thì người này vẫn được tính hưởng chế độ cho toàn bộ thời gian mà mình đã đóng.
Đóng BHXH ngắt quãng có ảnh hưởng tới lương hưu không?
Đối với quy định về điều kiện hưởng chế độ hưu trí, Mục 5 Chương III (quy định về trường hợp đóng BHXH bắt buộc) và Mục 1 Chương IV (quy định về trường hợp đóng BHXH tự nguyện) Luật Bảo hiểm xã hội đều không đặt ra yêu cầu về việc người tham gia bảo hiểm xã hội phải đóng liên tục.
Do đó, việc đóng BHXH ngắt quãng sẽ không ảnh hưởng tới chế độ hưu trí của người lao động tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện nếu thỏa mãn các điều kiện do pháp luật quy định.
Cụ thể, theo Điều 56 Luật BHXH, trường hợp lao động nam nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi đóng BHXH đủ 20 năm thì mức lương hưu hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm một năm đóng BHXH thì tăng thêm 2% tiền lương nhưng mức tối đa là 75%.
Đối với lao động nữ, nghỉ hưu đóng BHXH đủ 15 năm thì mức lương hưu hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm một năm đóng BHXH thì tăng thêm 2% tiền lương nhưng mức tối đa là 75%.
Điều kiện đóng tiếp BHXH khi người lao động tham gia ngắt quãng
Luật BHXH hiện hành không giới hạn nhu cầu tham gia BHXH đối với các trường hợp ngắt quãng. Vì vậy, người đóng BHXH ngắt quãng hoàn toàn có thể đóng tiếp nếu đáp ứng các điều kiện tham gia BHXH mà pháp luật quy định.
Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH quy định, với loại hình BHXH bắt buộc, người lao động sẽ được đóng tiếp nếu thuộc các đối tượng như:
- Người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên.
- Người lao động là cán bộ, công chức, viên chức.
- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.
- Công an, bộ đội.
- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương,…
Còn theo Khoản 4 Điều 2 Luật BHXH, người lao động tham gia BHXH tự nguyện sẽ được đóng tiếp loại bảo hiểm này với điều kiện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.