Trường hợp đóng bảo hiểm xã hội không đủ 20 năm, quyền lợi của người lao động sẽ được giải quyết như thế nào?
Nhiều người lao động tham gia >bảo hiểm xã hội nhưng chưa đủ 20 năm đã đến tuổi nghỉ hưu hoặc muốn xin nghỉ sớm vì nhiều lý do cá nhân.
Sau đây là những quyền lợi đáng chú ý mà chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) dành cho những người lao động đóng bảo hiểm xã hội không đủ 20 năm:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 và khoản 1 Điều 77 Luật BHXH năm 2014 và khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13, người lao động đóng bảo hiểm xã hội không đủ 20 năm có quyền yêu cầu rút BHXH 1 lần nếu thuộc một trong các diện sau đây:
(1) Sau 01 năm nghỉ việc hoặc sau 01 năm không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
(2) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
(3) Ra nước ngoài để định cư.
(4) Mắc một trong các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
(5) Công an, bộ đội khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Trong đó, trường hợp (1) là trường hợp phổ biến nhất nhưng người lao động sẽ phải chờ đợi 01 năm mới được rút BHXH 1 lần. Còn các trường hợp được rút BHXH 1 lần ngay khi có nhu cầu mà không cần chờ đợi.
Được giải quyết hưởng lương hưu nếu thuộc trường hợp đặc biệt
Hầu hết các trường hợp hưởng lương hưu đều yêu cầu người lao động phải đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên nhưng vẫn có trường hợp ngoại lệ.
Cụ thể khoản 3 Điều 54 Luật BHXH năm 2014, được sửa bởi Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép giải quyết lương hưu đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm nếu người đó đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
- Thời gian đóng BHXH: Từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.
- Độ tuổi: Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Mức hưởng lương hưu khi của người đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm được tính theo Điều 7 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP như sau:
Lương hưu = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Trong đó, tỷ lệ hưởng = 45% + 2% x (Số năm đóng BHXH - 15)
Ví dụ: Bà A đóng BHXH 17 năm thì được hưởng tỷ lệ lương hưu = 45% + (17 năm - 15 năm) x 2% = 49%.
Người lao động qua đời, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất
Căn cứ Mục 5 Chương III và Mục 2 Chương IV Luật BHXH năm 2014, người lao động đóng bảo hiểm xã hội không đủ 20 năm chết thì thân nhân của người đó sẽ được hưởng chế độ tử tuất với các quyền lợi sau:
- Trợ cấp mai táng = 10 x Lương cơ sở.
- Trợ cấp tuất: Thân nhân của người lao động đóng BHXH bắt buộc được hưởng trợ cấp tuất 1 lần hoặc trợ cấp tuất hằng tháng. Còn thân nhân của người lao động đóng BHXH tự nguyện chỉ được nhận trợ cấp tuất 1 lần.
Mức hưởng trợ cấp tuất như sau:
Trợ cấp tuất hằng tháng
Với thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng:: Trợ cấp tuất hằng tháng = 70% x Lương cơ sở
Trường hợp còn lại: Trợ cấp tuất hằng tháng = 50% x Lương cơ sở
Trợ cấp tuất 1 lần
Trợ cấp tuất 1 lần = (1,5 x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x Thời gian đóng BHXH trước năm 2014) + (2 x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x Thời gian đóng BHXH sau năm 2014).
Lưu ý: Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm đã rút BHXH 1 lần rồi thì khi qua đời, thân nhân không được hưởng chế độ tử tuất.