Hơn 40 năm bà Lý vẫn quyết tâm đi tìm người anh đã thất lạc của mình theo di nguyện của bố, cuối cùng bà cũng thực hiện được mong ước cuối cùng của bố mình.
Một ngày cuối tháng 10 năm 2022, một bức thư tay đầy xúc động của người phụ nữ ký tên Vũ Thị Minh Lý (thôn Giao Tất, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) được gửi đến tôi. Ẩn trong những dòng chữ ấy, tôi thấy được nỗi khát khao cháy bỏng và niềm mong mỏi sự giúp đỡ kiếm tìm thông tin anh trai đã bị thất lạc của người phụ nữ đã 59 tuổi.
Bức thư tay mở đầu với những lời nhắn gửi đầy yêu thương: "Em Lý, đứa em gái duy nhất của anh đã tìm kiếm anh từ lâu lắm rồi… Em dần quen với từng con đường, từng huyện lỵ của tỉnh Thái Bình, nơi mà gia đình chúng ta đã lạc mất nhau. Dù chỉ có một chút "vốn liếng" thông tin ít ỏi nhưng em vẫn cứ đi tìm anh, mong manh nhưng em luôn hy vọng".
Đi tìm anh trai theo di nguyện của bố
Nói về trường hợp thất lạc thân nhân của mình, bà Vũ Thị Minh Lý kể lại: "Bố mẹ tôi đều mắc bệnh phong. Cùng số phận khổ hạnh nên cả hai thành nghĩa vợ chồng tại Bệnh viện phong Văn Môn, thuộc xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Tháng 3.1959, bố mẹ đã sinh ra người anh trai của tôi ở đó. Anh được đặt tên là Vũ Văn Diệu, cái tên ấy là niềm hy vọng vào một điều kỳ diệu, rằng cả nhà sẽ vượt qua bệnh tật, mạnh khoẻ trở về".
Bà Lý tâm sự: "Tuy nhiên, do điều kiện hoàn cảnh bố mẹ tôi bị bệnh và quy định khi đó của trại phong không được nuôi con nhỏ nên tới khoảng cuối năm 1960, đầu năm 1961, bố mẹ tôi đành gạt nước mắt cho đi khúc ruột của mình. Sau này tôi nghe bố kể lại, nhiều đêm thương con cả hai vợ chồng chỉ biết động viên nhau rằng có được cho đi đứa trẻ mới không bị nhiễm bệnh, có cho đi đứa trẻ mới có cơ hội được sống".
Suốt chặng đường tìm kiếm người anh nhiều vất vả ấy, bà Lý có thêm một thông tin rất quan trọng, người nhận anh Diệu về nuôi khi đó tên là Vinh, ở xã Nam Cường, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Theo lời bố mẹ kể lại, khi được cho đi anh Diệu có bị ban ngứa, ghẻ nở khắp người.
Cất công về xã Nam Cường, khi tới thôn Thanh Khê bà Lý được người dân ở đây cho biết, khoảng cuối năm 1960 đầu năm 1961 gia đình bà Phạm Thị Thoi có nhận một người con nuôi tại Bệnh viện phong tỉnh Thái Bình. Người con nuôi có nhiều điểm tương đồng với anh Diệu mà bà đang tìm kiếm.
Khi nhận về nuôi, đứa trẻ bị ban ngứa khắp người điều trị rất vất vả. Gia đình đã đặt lại tên đứa trẻ là Phạm Văn Bình vì được đón về từ tỉnh Thái Bình.
Sau này, khi trở thành công nhân Nhà máy Dệt Nam Định, bà Thoi có cùng chồng và người con nuôi chuyển về sinh sống tại Số nhà 16 phố Hoàng Ngân, TP Nam Định. Tới những năm 80, khi bà Thoi mất, người chồng và con nuôi đã bán căn nhà này chuyển đi nơi khác sinh sống.
"Dù đó chỉ là những thông tin ít ỏi nhưng với tôi thì vô cùng quý giá. Tôi cũng luôn linh cảm rằng đó chính là người anh trai thất lạc của mình", bà Lý hy vọng.
Khát khao ngày đoàn tụ
Trước khi nhắm mắt tại trại phong, bố bà luôn nhớ tới anh Diệu và để lại di nguyện dù khó khăn đến mấy con cũng phải kiếm tìm anh cho bằng được! Dẫu biết rằng đó là hành trình đầy gian nan nhưng trước giờ đi xa bố mẹ bà vẫn chỉ canh cánh mong hai anh em được đoàn tụ.
Chị Nguyễn Thị Minh Thuý con gái của bà Lý tâm sự, nhiều lần mẹ thường hay hỏi, không biết hình dáng, gương mặt bác Diệu như thế nào? Liệu bác Diệu có biết rằng trên đời này vẫn còn có người thân đang mong ngóng kiếm tìm bác ấy hay không? Chắc bác Diệu cũng phải có gia đình, chắc cũng thành ông nội, ông ngoại của mấy đứa cháu rồi đấy nhỉ.
"Mỗi lần như thế chúng em cũng xót xa và muốn được đồng hành cùng mẹ để đi tìm bác Diệu anh ạ. Gia đình em cũng đã nhiều lần đi tìm lắm".
Sau nhiều lần về thôn Thanh Khê, bà Lý có thêm thông tin, trong một lần hiếm hoi trở về thăm quê mẹ nuôi nhiều năm trước, anh Phạm Văn Bình có nhắn nhủ, nơi sinh sống của anh Bình và người vợ tên là Ngoan cách TP. Nam Định khoảng 40km.
Tới TP. Phủ Lý tỉnh Hà Nam bây giờ thì đi qua đường tàu rồi vào vùng đất có rừng, đầu lối vào có một ngôi chùa, hai vợ chồng anh Bình cùng làm nghề làm vôi.
Bà Lý bùi ngùi: "Càng hy vọng người đàn ông tên Bình đó chính là anh trai của mình bao nhiêu, thì tôi càng khao khát sẽ có thêm những thông tin cụ thể về nơi anh Bình đang sinh sống hiện tại để tôi được tìm gặp. Dù rằng mong manh lắm".
"Bố mẹ tôi là ông Vũ Văn Hiệu và Nguyễn Thị Tý đã mất trong trại phong từ lâu, kỷ vật để lại không có gì cả. Hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, cả hai anh em đều đi làm con nuôi nên ngay đến một tấm di ảnh của bố mẹ cũng không thể có nổi. Mấy lần mơ thấy anh trai về và hỏi xem mặt bố mẹ tôi chỉ biết khóc".
Gạt nước mắt, bà Lý bảo nhiều đêm trằn trọc, mình chỉ ước một ngày nào đó sẽ được tìm thấy anh trai, được một lần ôm lấy anh, được thắp hương lên ban thờ bố mẹ và nói anh em chúng con đã tìm thấy nhau, bố mẹ có thể an lòng rồi.
Giấc mơ thành sự thật
Nhiều năm trời đằng đẵng tìm kiếm, gia đình bà Lý còn tận dụng cả mạng >xã hội thường xuyên đăng tải dò la về tin tức người thân. Tới một ngày đầu tháng 11, bà Lý nhận được một thông tin quý báu, tại thôn Nham Kênh xã Thanh Nghị huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam có một người khá giống với những gì bà miêu tả.
Nhận được thông tin, bà Lý và gia đình lại tất tả lên đường. Tới thôn Nham Kênh, theo sự thông tin trước đó, bà Vũ Thị Minh Lý tới thăm gia đình người đàn ông đã luống tuổi tên là Bình có vợ tên là Ngoan. Sau cuộc trò chuyện, cả hai gia đình đã vỡ oà trong niềm hạnh phúc được đoàn tụ. Thời khắc ấy chúng tôi chỉ biết rưng rưng: "Anh trai – Em gái của tôi đây rồi".
Hành trình tìm kiếm người anh trai thất lạc của bà Lý khép lại với một kết thúc có hậu. Có lẽ được tìm thấy người anh trai đã thất lạc chính là niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời của bà Lý như những dòng tha thiết mà bà đã nhắn gửi lại: Tôi chỉ có một ước mơ… Đó là gia đình được đoàn tụ!